
Cách thoát khỏi “hiệu ứng đám đông” và giúp đỡ người gặn nạn
Khi thấy ai đó bị cướp hay quấy rối trên đường, đa số mọi người sẽ đi ngang qua và làm lơ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Vài trường hợp còn không có ai giúp đỡ. Hiện tượng này được biết đến là “hiệu ứng đám đông”, khi có càng nhiều người hiện diện thì khả năng có người giúp đỡ sẽ càng thấp.
Làm lơ người gặp nạn là một bản năng. Nhưng đó không phải là lý do để bạn bỏ mặc người khác. Đây là cách để bạn trở thành một “người ngoài cuộc” (bystander) tốt hơn.
Tại sao hiệu ứng người ngoài cuộc làm mất đi lòng can đảm của bạn?
Thực tế là mỗi cá nhân cảm thấy ít có trách nhiệm hơn khi có nhiều người xung quanh. Họ cho rằng người khác sẽ lo việc đó. Nhưng khi ai cũng cảm nhận như vậy thì đôi lúc sẽ không có ai giúp đỡ nạn nhân. Tương tự, Ervin Staub – giáo sư về tâm lý học tại Đại học Massachusetts, Amherst và là tác giả của The Root of Goodness and Restaurant to the Evil – cho biết nếu một người thấy không có ai giúp đỡ nạn nhân thì họ sẽ cho rằng người đó không cần giúp đỡ.
Thỉnh thoảng, nỗi sợ là điều ngăn cản người ngoài cuộc giúp đỡ nạn nhân. Ervin Staub nói rằng: “Con người thường ngại bước ra giúp đỡ nạn nhân khi có mặt người khác và do đó có thể mắc sai lầm”. Họ sợ làm hỏng việc, hoặc sợ rằng họ đang cố ngăn cản việc mà họ nghĩ là bắt cóc nhưng sự thật có thể chỉ là một đứa trẻ đang làm nũng thôi.
Tương tự, Stephanie Preston – giáo sư tâm lý học tại Đại học Michigan – cho rằng người ngoài cuộc không dám tham gia vào vì họ sợ ai đó sẽ đổ lỗi cho họ. Họ cũng sợ thủ phạm sẽ tấn công mình, dù là họ đang chứng kiến một hành vi bạo lực hay quấy rối bằng lời nói.
Bối cảnh của tình huống cũng ảnh hưởng đến hành động của người ngoài cuộc. Preston cho rằng, nếu nạn nhân là phụ nữ thì cả đàn ông lẫn phụ nữ sẽ có xu hướng giúp đỡ nhiều hơn, và nếu xung quanh họ là bạn bè thay vì người lạ thì khả năng đó còn cao hơn nữa. Trong những tình huống này, họ sẽ cảm thấy ít bị đe dọa hơn.
Tuy yếu tố xã hội đóng vai trò lớn trong hiệu ứng “bystander”, nhưng tính cách của người ngoài cuộc cũng đóng một vai trò quan trọng. Staub cho rằng nếu người ngoài cuộc là người có tính cách quan tâm đến người khác thì khả năng cao họ sẽ giúp đỡ nạn nhân. Frank Farley – giáo sư tâm lý học về giáo dục tại Đại học Temple và cựu chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ – cho rằng vì đối mặt với tội phạm là một việc nguy hiểm, những người hay mạo hiểm hoặc thích cảm giác mạnh sẽ có khả năng can thiệp cao hơn.
Hãy chuẩn bị trước để trở thành “người ngoài cuộc” tốt hơn
Bạn không thể đoán được cách bạn phản ứng khi thấy ai đó cướp ví người khác trước mặt bạn, nhưng bạn có thể rèn luyện để trở thành một “người ngoài cuộc” tốt hơn. Theo Staub, việc biết về hiệu ứng này sẽ giúp bạn có khả năng giúp đỡ người khác trong tình huống khẩn cấp.
Nếu bạn tập hành động trong những tình huống ít rủi ro thì bạn có thể sẵn sàng can thiệp khi chứng kiến một sự việc tương tự. Staub cho rằng con người có khả năng học thông qua hành động và thay đổi bản thân dựa trên kết quả của hành động đó. Ví dụ như, nếu bạn dám lên tiếng về hành vi cư xử bất lịch sự với người khác của một người bạn hay đồng nghiệp thì bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi ngăn chặn một người lạ quấy rối người khác.
Bạn nên tập trước một câu nói mà bạn cảm thấy thoải mái khi thấy ai đó bị tấn công. “Việc tập trước một câu nói mà bạn nghĩ sẽ giúp ích cho người khác sẽ rất có ích”. Ví dụ như Preston muốn tránh tỏ ra tức giận vì cô ấy nhận thấy giọng nói thân thiện – thậm chí hơi hài hước – có thể giúp xoa dịu những tình huống căng thẳng.
Đối mặt với thái độ phân biệt chủng tộc hay bất kỳ hình thức quấy rối bằng lời nói nào, sự xoa dịu là cách để giải quyết đúng đắn nhất. Theo Mạng lưới Irish chống phân biệt chủng tộc, bạn hãy trò chuyện với nạn nhân và cố gắng làm lơ kẻ tấn công, hoặc chỉ ra hành động sai trái của họ nếu bạn nghĩ điều đó sẽ không làm tình huống trầm trọng hơn. Hãy tiếp tục trò chuyện với nạn nhân cho đến khi kẻ tấn công dừng lại, sau đó bạn có thể đưa nạn nhân đến nơi an toàn.
Hãy hành động nhanh
Khi ngăn cản một tội ác, bạn đang chịu rủi ro bị thương cả về thể chất lẫn tinh thần. Không có cách nào để hoàn toàn loại bỏ rủi ro này. Nhưng nếu đánh giá đúng tình hình và hành động thận trọng, bạn có thể giảm thiểu tối đa rủi ro để không ai – cả bạn, nạn nhân và kẻ tấn công – bị thương.
Khi bạn chứng kiến một tội ác, hãy dừng lại và suy nghĩ. Staub cho rằng, trước khi lao vào giúp đỡ, bạn phải chắc chắn rằng đó là việc cần thiết. Sau đó là đánh giá tình hình. Nếu có thể thì hãy cố gắng “lôi kéo đồng minh”. Vì khi bạn làm vậy thì khả năng can thiệp sẽ cao hơn. Tất cả có thể xảy ra chỉ trong vòng vài giây.
Tiếp theo, bạn phải chống lại hiệu ứng người ngoài cuộc và hành động. Có thể bạn sẽ không chắc chắn mình có nên giúp đỡ hay không. Người khác có thể sẽ làm tốt hơn bạn, nhưng đừng để nỗi sợ đó cản trở. Preston cho rằng, tìm cách phản ứng lại bằng cách nào đó sẽ tốt hơn là chờ đợi một phản ứng hoàn hảo.
“Nhưng cũng đừng nhiệt tình mà thiếu suy nghĩ, hãy bắt đầu bằng một việc nhỏ như bảo kẻ tấn công dừng lại. Nếu việc đó không thành công, chính bạn có thể can thiệp. Nếu bạn không đủ mạnh hay nhanh để bảo vệ nạn nhân thì hành động của bạn sẽ khiến ai đó đủ khả năng nhảy vào can thiệp. Ngay cả khi bạn không thể ngăn cản kẻ tấn công thì sự cố gắng của bạn sẽ không bị lãng phí vì nạn nhân sẽ cảm thấy tốt hơn nếu họ có đồng minh trong những lúc như vậy” – theo Staub.
Nếu bạn không muốn can thiệp trực tiếp, bạn vẫn có thể giúp đỡ người bị hại. Quay phim hay chụp ảnh lại tình huống có thể giúp lưu lại thông tin cực kỳ quan trọng để giúp đỡ nạn nhân nếu họ báo cho cảnh sát sau đó. Bạn có thể tự gọi cảnh sát đến nhưng rủi ro là cảnh sát có thể hiểu sai tình huống và bạn có thể tự hại mình nhiều hơn.
Nếu được, hãy hỏi nạn nhân xem họ có muốn bạn gọi cảnh sát giúp họ hay không. Ngoài ra, bạn có thể thu hút sự chú ý của những người khác và nhờ họ giúp đỡ nạn nhân, nhưng tốt nhất là nên chỉ đích danh một người nào đó. “Có rất nhiều cách bạn có thể làm để giúp đỡ ngoài việc chạy trốn và chỉ quan tâm đến bản thân mình” – theo Preston.
Nguồn: https://www.popsci.com/story/diy/bystander-effect-psychology/