[Sách] “Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông” – cuốn sách cứu rỗi những tâm hồn yếu đuối

“Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông” - cuốn sách cứu rỗi những tâm hồn yếu đuối

“The dogs bark, but the caravan goes on”, tôi treo câu ngạn ngữ này trên tất cả các mục giới thiệu bản thân trên hệ thống mạng xã hội như Facebook, Instagram, Zalo… Một cách khẳng định chắc nịch: “Hạnh phúc của tao không phải do ánh nhìn của mày quyết định hộ”. Đúng thế! Hạnh phúc chính là đừng để tâm quá nhiều đến cách người xung quanh chọc ngoáy tính cách, suy nghĩ, điều kiện của bạn, chỉ cần bạn thấy hài lòng và vui khỏe trong cuộc đời ấy là đủ rồi.

Khi tôi vô tình chạm tay vào cuốn “Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông” trên sạp sách bày bán ở một buổi hội chợ sách, thêm một lần nữa được củng cố về cách sống cân bằng tâm lý, tôi hân hoan, sung sướng cầm lên tay, nâng niu và lập tức bước cầm tới quầy thanh toán!

“Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông” như một cách truyền cảm hứng để bất kể ai, một người đang thỏa mãn với đời sống vương giả hay một kẻ chìm trong u sầu bởi vận đen hay mọi bất hạnh trong cuộc đời này đều có thể trở thành một người hạnh phúc. Hạnh phúc không tự đến, đó là một bài học dài.

Có người coi hạnh phúc là sự kiêu hãnh, cũng có người nhận định đơn giản là sự hài lòng. Còn tôi định nghĩa hạnh phúc là tổng hòa sự vui vẻ đến mỗi ngày và sự thỏa mãn với toàn bộ cuộc sống. Cuốn sách này là chìa khóa cất giữ hạnh phúc mà dường như bất cứ ai cũng cần đến.

Richard Nicholls, tác giả của cuốn sách này, đồng thời là một nhà trị liệu tâm lý người Anh nổi tiếng đã truyền tải một thông điệp giá trị về hạnh phúc: Hãy thành thật với con người của bạn. Nếu bạn cảm thấy đau khổ, hãy cứ đau khổ; đến khi bạn cho mình đủ thời gian để hiểu trong nhiều tình huống, nhiều cảm xúc của đời sống chúng ta nên hạ bớt “cái tôi” và “làm hòa” với những cảm xúc tiêu cực.

Nếu đã lật xem mục lục, tôi cá bạn sẽ không từ chối đọc nó. Đến khi gấp lại trang cuối cùng của cuốn sách này, tôi đã đặt bút lưu lại trên sổ nhật ký về niềm hạnh phúc đang lan tỏa. Tôi đã gọi “Cân bằng cảm xúc, cả lúc bão giông” là cuốn sách cứu rỗi những tâm hồn yếu đuối. Con người càng nhạy cảm thì cách họ đón nhận niềm vui, nỗi buồn sẽ được nâng lên một cung bậc cảm xúc cực mãnh liệt. Và thông thường, tôi để ý thấy người nhạy cảm sẽ ít thấy được hạnh phúc thực sự bao giờ khi mối quan tâm của họ hướng tới mọi điều xung quanh, đôi khi là bỏ quên cảm xúc của chính mình.

Tôi cũng đã giới thiệu về cuốn sách này tới bạn bè, anh chị, hàng xóm, đồng nghiệp của mình như cách gửi đi thông điệp yêu thương, truyền sức sống thiện lành đến những người thật sự quan trọng với tôi. Các câu chuyện, trích dẫn được diễn giải một cách ngắn gọn, dễ hiểu, nội dung hàm chứa những giá trị thúc đẩy lòng tự trọng, giúp bạn trân trọng cuộc sống và điều tiết cảm xúc của bản thân tốt hơn. Các bạn có thể thử đọc, hoặc không; nhưng tôi khuyên các bạn nên lưu ý đến mục lục của cuốn sách trước khi từ chối nó.

Kiểm soát tâm lý là một chuẩn mực nhận thức. Đôi khi, chúng ta làm giúp người khác một vài chuyện con cỏn nhưng nhận được một lời cảm tạ chân thành; cũng có tình huống cố gắng giúp đỡ họ bằng cả tấm lòng nhưng lại khiến chúng ta rơi vào sự dở khóc dở cười vì họ không cần đến sự giúp đỡ đó. Có người cảm thấy chuyện đó thật nực cười, cũng có người dễ dàng quên ngay.

Ai cũng vậy, có nhiều tình huống trong cuộc sống giống như thách thức suy nghĩ của mỗi chúng ta. Chúng ta có thể đánh giá lại cảm xúc của chính mình khi tạm thời ngừng suy nghĩ, ghi chép nhật ký, học cách hít thở,.. để nhìn nhận lại vấn đề vài phút ngay sau đó.

Tất cả các phương án trên không hẳn là lời khuyên bỏ lửng rắc rối của hiện tại; đó là cách chuyển hướng sang một sự xao nhãng tích cực để khi bản thân đủ tỉnh táo đối diện trở lại, chắc chắn sự tiêu cực đã giảm đi 50% cơn tức tối ban đầu.

“Cân bằng cảm xúc cả lúc bão giông” - cuốn sách cứu rỗi những tâm hồn yếu đuối

Học được cách cân bằng cảm xúc cũng chính là học được cách làm chủ cuộc đời mình sáng suốt và đúng hướng. “Cân bằng cảm xúc, cả lúc bão giông” khác biệt hoàn toàn so với những cuốn sách về cảm xúc thông thường khác khi đạt được những điểm tôi sẽ chỉ ra dưới đây:

Thứ nhất: Chỉ ra nguồn gốc và biểu hiện của suy nghĩ tiêu cực, kết nối đến giá trị hạnh phúc khi con người so sánh với việc kiểm soát cảm xúc và làm chủ hành vi của bản thân.

Thứ hai: Chỉ ra cách tập luyện qua các bài hướng dẫn cụ thể để bạn đọc có thể đọc lý thuyết kết hợp thực hành cách cân bằng cảm xúc mỗi ngày.

Thứ ba: Luôn có mục “gợi ý” viết nhật ký để “note” lại những giá trị đầy tính nhân văn sau khi “cuốn chiếu” cuốn sách này. Bạn có thể xem lại được những nội dung vắn tắt sau mỗi chương sách để nắm được cốt lõi giá trị và nhắc bản thân sống tốt hơn.

Hạnh phúc nằm ở cách chúng ta làm chủ cảm xúc đến đâu. Rất nhiều người đánh đồng việc hạnh phúc là có được những điều người khác có, làm được những điều người khác có thể làm được. Tôi đính chính đó không phải hạnh phúc mà là so đo, đố kỵ. Bạn thấy bạn bè đồng trang lứa đã dành dụm đủ tiền mua nhà, mua xe, bạn cũng ước ao có được điều kiện sống tốt giống như họ. Bạn thấy đồng nghiệp có chồng đi ô tô đưa đón đi làm, bạn cũng muốn được gả vào một gia đình tốt như thế.

Kỳ lạ là, chúng ta hay có suy nghĩ rằng chỉ cần mình làm giống người khác, thì mình cũng sẽ hạnh phúc như họ. Thế nên chúng ta cứ chạy mãi, chạy mãi, chạy theo cái bóng hư ảo của hạnh phúc chúng ta nhìn thấy ở những người xung quanh mà quên ngoảnh lại đằng sau để thấy rằng: Cũng có đầy người đang theo đuổi cuộc sống của chúng ta. Cuốn sách trở thành bạn đồng hành với tuổi trẻ đầy giông tố.

“Lạc quan quá mức đôi khi lại khiến bạn nảy sinh thái độ chủ quan trước những cạm bẫy tiềm tàng và có thể gục ngã ngay từ chướng ngại vật đầu tiên. Sở hữu điểm kiểm soát nội giới quá cao đồng nghĩa với việc bạn sẽ hạ cánh với một cú ngã thực sự, và vì bạn coi bản thân là người nắm quyền kiểm soát cao nhất, bạn sẽ chỉ biết đổ lỗi cho chính mình. Cuối cùng bạn sẽ tổn thương rất nhiều.”

Tai họa có thể đổ ập xuống đầu chúng ta bất cứ thời điểm nào. Không phải tránh né, không phải tiêu cực, mà cần đối diện với hoàn cảnh khó khăn ấy bằng cách nhìn lạc quan, tích cực nhất.

Cuốn sách là kim chỉ nam cho những bạn trẻ nông nổi, bốc đồng: Bạn không hài lòng khi suốt ngày nghe cô bạn thân chia sẻ về những món quà được người yêu tặng, bạn khó chịu khi đồng nghiệp chẳng bao giờ chịu đến sớm dọn dẹp văn phòng chung, bạn giận dỗi khi nghe bố mẹ ca thán, so sánh với “con nhà người ta”….

Ở trong sự bực giận đó, nhiều người dễ dàng nói ra những điều khó nghe, làm tổn thương đến người khác. Dù khi bình tâm lại, mười lời xin lỗi cho một phút bốc đồng nói không kiềm chế cũng không lấy lại được niềm tin yêu, tôn trọng phút ban đầu. Thay vì bộp chộp rồi ân hận, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi nói.

Chu Thị Trang

Leave a Reply