Để cuộc sống thật đáng sống, hãy gỡ đi những “chiếc mặt nạ” của mình

Gỡ bỏ mặt nạ để sống cuộc đời đúng ý nghĩa, bạn có dám không?
Ảnh: pinterest

Như những nghệ sĩ Hy Lạp cổ khi họ đeo những chiếc mặt nạ để vào vai những nhân vật hay vào những vai khác nhau trong từng vở diễn, chúng ta cũng vậy, luôn cố che giấu đi con người thật, những suy nghĩ và cả những cảm xúc của chính mình.

Chúng ta rất giỏi trong việc che giấu bản thân bằng những “chiếc mặt nạ”. Chúng ta che giấu nó khỏi những người bạn, đồng nghiệp, thậm chí là cả người thân của chúng ta bằng rất nhiều “chiếc mặt nạ” mà ta luôn mang bên mình. Chúng ta thường tránh việc phải bộc lộ con người và cả những điều chúng ta thật sự nghĩ, đó là bởi vì chúng ta muốn hòa nhập, muốn được chấp nhận, và quan trọng hơn, là tránh đi những phiền phức hay mâu thuẫn.

Chúng ta có xu hướng tránh né việc thể hiện con người người thật bởi vì mong muốn được hòa nhập, được ủng hộ, và quan trọng hơn, giảm thiểu tối đa những tranh chấp. Mặt nạ giúp chúng ta tạo nên ấn tượng, hay nói đúng hơn là ảo tưởng, về một “cuộc sống hoàn hảo” – có công việc phù hợp, có xe, có nhà, có quần áo đẹp, có người bạn đời tâm đầu ý hợp … Chúng ta giấu giếm danh tính của mình đằng sau những nhãn hiệu, danh hiệu và tiền bạc. Chúng ta định nghĩa bản thân một cách sai lầm bằng những thứ của cải mình sở hữu và bằng vị thế của mình trong xã hội. Chính cái tôi đã giam giữ chúng ta trong một thế giới đầy giả tạo, nơi mà mọi hành động và lời nói đều cần sự cho phép và ủng hộ của xã hội.

Một số chọn cho mình chiếc “mặt nạ” cầu kì, trong khi một số người khác chọn những chiếc đơn giản hơn, nhưng cả thảy đều rất sợ phải thể hiện bản thân mình, sợ bị đánh giá hay sự hắt hủi từ người khác. Chúng ta sợ người khác sẽ nhận ra chúng ta là một con người như thế nào. Chúng ta sợ phải đối mặt với những lời chỉ trích gây ảnh hưởng đến cảm xúc của bản thân, sợ rằng sẽ bộc lộ ra những điểm yếu, sợ sẽ không đủ tốt hay đủ giỏi, và sợ hơn là bản thân không thuộc về ai, không thuộc một nơi nào hay thuộc vào một điều gì cả.

Trong khi một số người đeo lên chiếc mặt nạ của sự vĩ đại, hào nhoáng, một số lại có sự lựa chọn bình thường hơn vì họ không có đủ bản lĩnh để thể hiện bản thân, họ sợ sự phán xét và sự phản đối từ những thế lực khách quan khác. Nhưng dù là đeo mặt nạ gì, thì chúng ta cũng đều có chung một lý do, đó là vì chúng ta sợ bị người đời phát hiện ra bản ngã thật của mình. Chúng ta cảm thấy cần phải tự bảo vệ bản thân khỏi những lời phán xét và những sự tấn công vào mặt cảm xúc, vì nỗi sợ chung là sợ để lộ những điểm yếu, sợ bản thân không đủ tốt đẹp và sợ sẽ bị gạt ra khỏi cộng đồng.

Gỡ bỏ mặt nạ để sống cuộc đời đúng ý nghĩa, bạn có dám không?
Ảnh: pinterest

Thông thường, đàn ông là người giỏi che giấu điểm yếu và cảm xúc hơn, họ phải biết cách tỏ ra mạnh mẽ và luôn thể hiện sự tự tin trong cuộc sống. Mặt khác, phụ nữ lại bị “quy ước” là phải tỏ ra yếu đuối, ngọt ngào, thậm chí là phải có một chút “bánh bèo vô dụng”. Chúng ta cố gắng hết mình để làm hài lòng những “khán giả”, không ngừng lo lắng về vẻ ngoài “phù hợp”, lời thoại “phù hợp”, và làm sao để sau khi ánh đèn sân khấu tắt, chúng ta nhận được những phản hồi “phù hợp” với màn trình diễn của mình.

Hậu quả là thời gian “nhập vai” càng dài, chúng ta lại càng rời xa khỏi bản ngã thật sự của chính mình. Để người khác quyết định cách sống của mình khiến chúng ta đánh mất đi sự tự tin vào bản thân. Để ý kiến khách quan tác động quá nhiều khiến chúng ta đánh mất chính kiến và bắt đầu nghi ngờ chính những quyết định của mình. Chúng ta không ngừng hỏi mọi người xem chúng ta nên đóng vai gì, nói lời thoại nào và cố gắng để làm hài lòng họ. Chẳng sớm thì muộn, điều này sẽ khiến mối quan hệ của chúng ta bị rạn nứt. Cuộc sống trở nên mất tự do, và chúng ta cũng theo đó mà ngày càng chán nản, mệt mỏi. Cuối cùng, sẽ đến lúc chúng ta kiệt sức. Đây là lý do vì sao rất nhiều người coi trầm cảm là một trạng thái mà người bệnh không tìm được sự kết nối với bản ngã của mình.

Tuy nhiên, khi đã đi được gần 2/3 cuộc đời hay đã trải qua nhiều thị phi sóng gió trong cuộc sống, nhiều người sẽ nhận thức được mình muốn một cuộc sống như thế nào và bắt đầu muốn gỡ bỏ những lớp hóa trang. Tất nhiên, việc này sẽ tốn của bạn nhiều thời gian để thực hiện. Bạn sẽ phải trải qua rất nhiều trải nghiệm quan trọng trong cuộc đời để nhận ra rằng đã tới lúc bạn phải từ bỏ lớp hóa trang hay những chiếc mặt nạ đó. Do đã quá quen với nó, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc kết nối với chính mình, và quan trọng hơn, thể hiện con người thật của mình với sự đồng hành của những người xung quanh. Bạn sẽ cần nỗ lực rất lớn để chữa lành những vết thương trong quá khứ và bước tiếp.

Nhưng theo nhà triết học Aristotle từng nói: “Biết mình là ai chính là khởi đầu của mọi sự thông thái”. Hiểu rõ những động lực sâu thẳm, những mặt sáng và mặt tối của bản thân sẽ giúp chúng ta trở nên tự tin để tìm thấy những ý nghĩa của cuộc sống và cho thế giới thấy một “tôi” chân thành nhất. Vậy, hôm nay có phải là thời điểm để bạn sẵn sàng đi tìm lại sự kết nối với bản thân và xã hội, thay vì đeo mãi chiếc mặt nạ không thuộc về mình?

Dịch: Bảo Châu – Quang Khải

Nguồn: psychology today

Leave a Reply