Góc khuất của sự “tích cực độc hại”

Suy nghĩ tiêu cực có thể cản trở khả năng theo đuổi một cuộc sống trọn vẹn. Khi mọi thứ trên đời đều là sai lầm và không có gì đáng để theo đuổi, vậy thì thật sự mục đích sống của bạn là gì? Mặc dù quan điểm tích cực luôn được yêu thích hơn quan điểm tiêu cực, nhưng văn hóa tích cực mà chúng ta đang thấy hiện nay cũng có mặt tối. Vì vậy tôi nghĩ đã đến lúc nói về … góc khuất của sự “tích cực độc hại”.

Góc khuất của sự "tích cực độc hại"

Chúng ta đều biết những người tích cực luôn luôn thấy hạnh phúc, tỏa sáng và hoàn toàn lạc quan về mọi thứ. Họ có những câu châm ngôn đặc biệt tích cực và rõ ràng để tiếp cận những vấn đề lớn nhỏ trong cuộc sống. Khi bạn kể với họ về một tình huống đặc biệt nào đó mà bạn đang đối mặt, họ sẽ gieo rắc sự tích cực ngọt ngào điển hình, với mong muốn là mọi vấn đề của bạn sẽ biến mất ngay tức khắc.

Bạn bị người yêu bỏ rơi? “Bạn sẽ vượt qua thôi!”. Bạn vừa được chẩn đoán với một căn bệnh hiểm nghèo như ung thư? “Hãy suy nghĩ vui vẻ thôi!” Bạn bị lừa dối và dối gạt nhiều đến nỗi bạn không còn có thể tin ai nữa? “Đừng quá tiêu cực như thế!”

Dĩ nhiên chẳng có gì sai khi mong muốn người khác hạnh phúc và được giải phóng khỏi sự đau khổ. Nhưng tôi cho rằng những câu nói như thế tuy xuất phát từ tình yêu thương chân thành, nhưng nó cũng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết chứ không hề “tích cực” như chúng ta tưởng.

Vấn đề là những lời như thế lại chứa thái độ từ chối nhất định về một phần không thể chối cãi trong cuộc sống: sự đau khổ.

Sự “tích cực độc hại” là sự từ chối nhìn nhận mặt tiêu cực – thậm chí khi nó là một vấn đề lớn – khi chỉ tập trung vào mặt tích cực. Thay vì đối mặt với thực tế hiện tại, người ta chọn thái độ tin tưởng cho đến khi bạn biến điều đó thành hiện thực, nở nụ cười giả tạo, và phớt lờ nó đi.

Theo những nhà khắc kỷ cổ đại, cách chúng ta nghĩ về một sự kiện cụ thể sẽ ảnh hưởng tới cảm xúc của chúng ta, chứ không phải chính sự kiện đó: Con người bị phiền não không phải do sự vật, mà là do những nguyên tắc và khái niệm hình thành liên quan đến sự vật. Ví dụ như cái chết không đáng sợ, hoặc nó có thể có ý nghĩa như thế đối với Socrates. Nhưng sự khiếp sợ khái niệm về cái chết thì lại đáng sợ.”

Từ góc nhìn của một người khắc kỷ, sự tích cực là tư duy. Chúng ta có thể nhìn vào mặt tốt của mọi thứ, để cảm thấy tốt hơn. Nhưng điều này không xuất hiện vào hôm sau. Nó cần sự luyện tập. Khi bạn được chẩn đoán với một căn bệnh ở giai đoạn cuối, thì bạn không thể chỉ đơn giản rũ bỏ nó đi và cảm thấy vui vẻ với nó.

Góc khuất của sự "tích cực độc hại"

Mặc dù điều này có thể là tư tưởng triết học lý tưởng; nhưng thực tế là đa số mọi người không bao giờ hành động như thế. Nói chung, con người sẽ phải cảm thấy ưu phiền khi đối mặt với mất mát và cái chết, chúng ta đơn giản là không thể phủ nhận điều này. Vì thế, tôi không nghĩ rằng việc chối bỏ đau khổ là một trạng thái sống lành mạnh.

“Sự vật” mà Epictetus nói đến rất có thể là những cảm xúc được gợi lên từ những sự kiện không may mắn. Chúng ta có thể hướng bản thân đến những cảm xúc này mà tự nhủ rằng: “Hãy vui vẻ lên!” hoặc “Đừng bi quan như thế! Hãy lạc quan lên!”. Vấn đề là, trong một tình huống như thế thì mọi người thích giữ thái độ tích cực và trải nghiệm hạnh phúc hơn; nhưng nếu chúng ta bác bỏ và phản đối những thứ như sự đau khổ, buồn bã, giận dữ…. thì trạng thái tinh thần của chúng ta sẽ trở nên tệ hơn.

Tâm trí con người phải được phát triển tự nhiên. Việc mà chúng ta có thể làm là tạo ra những điều kiện nhất định khiến cho chúng ta có nhiều khả năng hạnh phúc hơn, như việc theo đuổi thói quen tốt trong Chủ nghĩa Khắc Kỷ và Bát chánh đạo trong Phật giáo. Nhưng chúng ta không thể ép bản thân vui vẻ bằng việc nói: “hãy nghĩ về những điều vui vẻ thôi!”. Điều đó sẽ không có tác dụng.

Điều tệ hơn là người có “lối sống tích cực” không thể chịu đựng được mọi thứ mà họ cho là “tiêu cực”, khăng khăng rằng họ chỉ giao tiếp với những người hạnh phúc, tỏa sáng và lạc quan. Vậy thì…. chúc may mắn với điều đó. 

Tất nhiên, điều này không có nghĩa là bạn nên ở bên cạnh những người chán đời và tiêu cực, nhưng thật ngây thơ khi mong đợi mọi người luôn hạnh phúc hoặc phải tỏ ra hạnh phúc khi được yêu cầu. Có thể có trường hợp ngoại lệ, nhưng vì ngoại lệ nên đương nhiên là cực kỳ hiếm.

Thế giới không chỉ tồn tại “lối sống tích cực”. Không hề. Nó chỉ có những cảm xúc: tốt và xấu. Từ chối bất kể điều tốt hay xấu nghĩa là bạn đang từ chối một nửa vũ trụ. Cơ bản là mọi người – thậm chí ngay cả người tích cực nhất bạn sẽ gặp – cũng có mặt tiêu cực. Như nhà tâm lý học Thụy Sĩ Carl Jung từng nói: ai cũng có mặt tối của họ.

Sự “tích cực độc hại” là cách tạo nên một bóng tối dày đặc nuôi dưỡng những đặc điểm mà bạn không mong muốn có. Bởi vì bạn phải mang chiếc mặt nạ hạnh phúc ở mọi thời điểm, tất cả nỗi buồn, sự giận dữ và các cảm xúc mà bạn không thể biểu hiện chỉ vì bạn bị ép buộc tỏ ra “tích cực”, bị đá vào bóng tối vô thức; thối rữa dần và tạo nên một con “quái vật” mà nó sẽ trồi lên vào lúc bạn ít trông đợi nhất.

Sự “tích cực độc hại” là nỗ lực tỏ ra hạnh phúc bằng cách từ chối các khía cạnh không mong muốn của những sự kiện nhất định, trong khi sự tích cực thật sự là tiếp nhận những sự kiện không may xảy ra với thái độ tích cực, nhưng đồng thời vẫn chấp nhận những mặt tiêu cực của nó. Đó là “khoảng giữa” của sự tích cực trong khi vẫn “chừa chỗ” cho các cảm xúc tiêu cực và hoàn toàn chấp nhận việc chúng ta đang đau khổ và cảm thấy tồi tệ.

Góc khuất của sự "tích cực độc hại"

Thay vì nói: “bạn sẽ vượt qua thôi”, chúng ta có thể nói: “Tôi hiểu đó là một tình huống khó khăn. Nhưng bạn đã vượt qua nó trong quá khứ, và bạn luôn vượt qua được, và tôi chắc lần này bạn sẽ làm được. Nếu tôi có thể làm điều gì đó cho bạn, hãy cho tôi biết nhé.” Thay vì nói: “hãy suy nghĩ tích cực lên!”, chúng ta có thể nói: “Tôi hiểu bây giờ bạn đang cảm thấy rất tệ. Nếu tôi có thể làm gì để bạn cảm thấy tốt hơn, hãy nói tôi biết.”

Bằng việc thay thế sự tích cực độc hại bằng sự tích cực thật sự, chúng ta sẽ giúp mọi người có không gian để cảm nhận được cảm giác thật sự của họ về việc xảy ra. Ý tôi là: chúng ta không thể vừa muốn giúp người khác, vừa muốn chối bỏ một phần cảm xúc tự nhiên của họ.

Những người ép buộc bạn cảm thấy hạnh phúc và tích cực, đơn giản là bằng cách ngừng đau buồn đi và chỉ muốn tiếp xúc với bạn khi bạn tỏa ra “năng lượng tích cực”, thì không hoàn toàn là người sẽ đem lại điều gì đó hay ho hoặc tích cực đối với bạn. Vì họ không sẵn sàng đối mặt với bóng tối ở xung quanh họ, ép buộc bạn mang một chiếc mặt nạ tương tự như của họ.

Khi làm như thế, họ đã tự đánh giá thấp giá trị và khả năng của bản thân, và họ cũng không hiểu được ý nghĩa nhân sinh trong cuộc sống này.

Theo: einzelganger

%d bloggers like this: