
Làm sao để “thích” công việc mà bạn không thích?
Có lẽ ai cũng từng mơ ước được làm công việc mình yêu thích. Nhưng thực tế là đa số mọi người sẽ chẳng thể làm được điều đó. Dù bạn vừa tốt nghiệp ra trường và chỉ cần đi làm kiếm tiền để trả hóa đơn, hay khi bạn đã đi làm được 20 năm và cuối cùng nhận ra công việc đó chẳng hề dành cho mình.

Nếu không cảm thấy hài lòng với công việc hiện tại, bạn nên có những bước chuyển mình để đến một nơi khác và một vị trí khác mà mình mong muốn. Nhưng trong lúc này, bạn không cần phải đón nhận mỗi ngày như thể hệt như cuộc hành quân Bataan chết chóc. Tôi sẽ gợi ý cho bạn một vài mẹo để giúp bạn “tạm yêu” công việc không-như-mong-muốn trong bài viết này.
1. Trước hết, có lẽ bạn cần chấn chỉnh lại thái độ
Bạn có cảm thấy mình đang làm một công việc “dưới cơ” không? Hay có thể bạn ghét sếp của mình, vì thế mà bạn “ghim” điều này bằng cách làm việc hời hợt kém chất lượng. Có một câu nói thế này: “Bạn làm một việc như thế nào thì sẽ làm mọi việc y như thế”. Nếu bạn đang không làm việc hết sức mình, cho dù vì lí do gì, nhiều khả năng là đối với những lĩnh vực khác trong cuộc sống bạn cũng không làm hết sức mình.
Những thói quen tốt được hình thành từ những điều mà chúng ta chẳng hề muốn thực hiện, nhưng vẫn cứ làm bởi đó là cách bạn biến mình trở thành một người đáng tin cậy. Khi bắt đầu nỗ lực làm việc hết mình, bạn có thể cảm thấy bớt chán nản hơn trong công việc, vì bạn trở nên tự tin hơn về bản thân cũng như cảm thấy việc mình đang làm có ý nghĩa hơn.
2. Thương lượng có thể giúp thay đổi tình hình
Một nhân viên không vui vẻ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp cho những người xung quanh. Dù bạn tin hay không, sếp và đồng nghiệp không hề muốn bạn cảm thấy không vui, bởi điều này cũng sẽ có ảnh hưởng đến tài chính của công ty. Bạn cảm thấy sếp lúc nào cũng muốn “nhắm” vào bạn để gây khó dễ, nhưng khả năng cho điều này không cao chút nào. Có thể là bạn có nhiều mặt tính cách, hoặc đơn giản là họ không biết bạn đang thất vọng.
Bạn có đang bị công việc “đè bẹp”? Hay đang không được thử thách đúng mức? Hoặc không hài lòng với mức lương hiện tại?
Một trong những việc đầu tiên bạn nên làm là thu xếp một cuộc gặp gỡ với sếp hoặc người giám sát của mình và thành thật với họ về cảm giác của bạn một cách chuyên nghiệp và lịch sự. Có lẽ bạn chỉ chán việc vì không được thử thách đúng mức, cho nên bạn “nghịch” máy tính nửa ngày trời. Nếu vậy, hãy nhận thêm trách nhiệm.
Hoặc ngược lại, có thể bạn đang gánh quá nhiều trách nhiệm – mặc dù có những lúc overtime là cần thiết, nhưng bạn không thể chịu đựng điều đó mãi được. Hãy thành thật về lượng công việc mà bạn có thể đảm nhiệm. Nếu bạn bỏ phí cơ hội đàm phán để thay đổi thực trạng nơi làm việc và cứ cho rằng sếp đang bất công với mình, bạn chỉ đang gây thêm rắc rối cho bản thân.
Những điều khác bạn có thể đàm phán bao gồm làm việc từ xa một ngày mỗi tuần, giờ giấc linh hoạt hơn (thỉnh thoảng thay đổi 1 đến 2 tiếng làm việc trong ngày), thậm chí đề nghị chuyển sang phòng ban khác nếu bạn nghĩ tài năng và đam mê của mình nên được sử dụng ở nơi khác.
3. Tự đặt ra những mục tiêu nhỏ

Nếu bạn cảm thấy chán nản hay thiếu thử thách trong công việc, hãy tự đặt ra những mục tiêu nhỏ nhưng “chất lượng” cho bản thân. Ví dụ, sau khi kết thúc mỗi dự án, hoặc tự hỏi: “Đó có phải điều tốt nhất mình có thể làm không?” Nếu không thì nên xem xét lại. Hãy đặt mục tiêu hoàn thành một dự án lớn sớm hơn một ngày, hoặc lên ngân sách chi tiêu cho dự án ít hơn so với dự kiến. Khi làm vậy, bạn không những thu hút sự chú ý tích cực của những người xung quanh, mà bản thân bạn sẽ cảm thấy tốt hơn về công việc mình đang làm.
4. Những việc nhỏ nhặt bạn làm mỗi ngày sẽ giúp bạn chạm đến công việc mơ ước
Nếu không hài lòng với công việc hiện tại, có thể bạn sẽ nghĩ rằng thà làm việc gì đó khác còn hơn. Nếu đang gặp phải một tình huống không thể cứu vãn và bạn biết rằng mình sẽ từ bỏ công việc hiện tại để làm điều gì đó khác vào một ngày nào đó, hãy làm những việc nhỏ nhặt mỗi ngày để giúp bản thân chạm đến công việc mơ ước. Hãy nhớ lại xem, nếu được quay lại thời đi học, bạn sẽ làm gì?
Nếu bạn đang mơ về khởi nghiệp, hãy tìm một trong tỷ tỷ cuốn sách ngoài kia viết về chủ đề này và đọc một chương mỗi ngày. Tốt nhất hãy dành 15 phút để viết ra những ý tưởng và các bước có thể xảy ra tiếp theo. Việc này sẽ giúp bạn nhận ra rằng tình huống hiện tại chỉ là tạm thời.
5. Hãy nghĩ về tương lai của công việc hiện tại
Liên quan đến vấn đề trên, hãy nghĩ về những khả năng mà công việc hiện tại có thể mang lại cho bạn. Ngay cả khi bạn không thích nó và có kế hoạch chuyển việc, thì đây không phải một sự lãng phí. Dù chuyện gì xảy ra, bạn cũng sẽ thu được kinh nghiệm khi làm một việc nào đó. Những kinh nghiệm đó có thể được áp dụng ra sao cho những cơ hội thăng tiến sau này?
Trước khi gia nhập đội ngũ AoM hồi cuối tháng 1, tôi cảm thấy hơi không hài lòng về công việc của mình. Nhưng tôi đã có một kế hoạch tuyệt vời, điều này giúp tôi khá thoải mái về thời gian để làm công việc freelance của mình, chính điều này đã giúp tôi có cơ hội làm công việc hiện tại, một công việc mà tôi đang rất yêu thích. Vậy nên, dù công việc cũ không trực tiếp “dẫn” tôi đến công việc mới này, nhưng nó lại trao cho tôi cơ hội để đến được đây.
6. Tìm ra điều gì đó khiến bạn thích thú
Trừ khi bạn là một Mr. Scrooge (Nhân vật trong phim hoạt hình Giáng Sinh yêu thương – một người đàn ông cáu bẳn, hay gắt gỏng), còn không thì chắc bạn sẽ tìm thấy điều gì đó để tận hưởng ngày làm việc của mình. Hãy tìm ra nó. Điều gì đó mang đến cho bạn cảm giác trông chờ. Thậm chí chỉ là bữa trưa, vì bạn biết rằng có một khoảng thời gian trong ngày bạn thấy thật thoải mái.
Điều này cũng có thể áp dụng cho công việc. Nếu có thể, bạn hãy tình nguyện làm một dự án mà mình thích. Nếu bạn thiên về lĩnh vực marketing, hãy tình nguyện làm một vài dự án về truyền thông xã hội hay làm video. Còn nếu thiên về sales, hãy nghĩ ra danh sách khách hàng mà bạn có thể thuyết phục.
Tuy điều này có vẻ không mấy khả thi và khá “dở hơi, nhưng thật ra nếu có thể được làm điều gì đó mà bạn có khả năng hay hứng thú, bạn sẽ thấy ngày làm việc trôi qua dễ dàng hơn, vui vẻ hơn và học hỏi thêm nhiều kỹ năng hơn. Có thể áp dụng cho những bạn đang làm thực tập sinh hoặc công việc không quá nhiều áp lực.
7. Cho bản thân cái gì đó để mong ngóng vào cuối ngày/cuối tuần

Cùng với việc cho bản thân cái gì đó để trông chờ trong công việc, hãy làm điều tương tự với cuối ngày của bạn. Hãy tặng bản thân một phần thưởng nhỏ sau giờ làm. Khi còn làm công việc cũ, phần thưởng của tôi là 45 phút yên tĩnh trên xe buýt cùng một cuốn sách trên tay.
Tôi đã tận hưởng khoảng thời gian đó, bởi đối với tôi, đọc sách giúp giải thoát những căng thẳng trong công việc. Hãy mua một tách cà phê từ cửa tiệm yêu thích trên đường về nhà (hay tự pha một tách khi về đến nhà). Hãy ra ngoài vào tối thứ sáu để ăn chút gì đó mừng việc bạn đã vượt qua thêm một tuần nữa. Một phần thưởng nhỏ nào đó có thể biến những nhiệm vụ khó nhằn nhất thành những thứ trong tầm kiểm soát của bạn.
8. Giữ mối quan hệ hòa ái với những người mà bạn yêu mến
Thậm chí nếu bạn không thích công việc của mình, hãy dành thời gian để nuôi dưỡng những mối quan hệ với những người mà bạn quý mến tại nơi làm việc. Bạn không cần phải trở thành một người bạn thân thiết của họ, nhưng có cho mình một người bạn nơi làm việc là rất quan trọng. Nếu có thể chém gió xuyên giờ nghỉ giải lao buổi sáng hay bữa trưa hay thậm chí đi uống nước sau khi tan ca, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều. Nếu bạn có thể hợp tác với họ trong các dự án thì còn tốt hơn nữa – ngay cả khi họ thuộc một phòng ban khác. Hãy tìm cách để bạn không phải trải qua một ngày hoàn toàn cô đơn.
9. Không gian làm việc của bạn có ổn không?
Điều này nghe có vẻ là một giải pháp không triệt để, nhưng đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mức độ mà không gian làm việc có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và sự hài lòng với công việc của bạn.
Vấn đề đầu tiên liên quan đến sự thoải mái về thể chất trong không gian làm việc cũng như trang thiết bị/tài liệu phù hợp để làm việc. Ghế và bàn làm việc của bạn như thế nào? Bạn có đủ không gian để làm những gì mình cần hay không? Bạn có đủ phần mềm phù hợp hay không? Nếu bạn đang gặp vấn đề với bất cứ cái nào trong số những điều kể trên, hãy báo cáo với bộ phận liên quan. Nhiều khả năng là sếp của bạn không hề biết bạn đang gặp vấn đề đó đâu.
Tuy nhiên, vấn đề thứ hai có thể còn quan trọng hơn, bao gồm sự thoải mái về không gian làm việc. Nếu chỗ bạn làm là một không gian nhỏ hẹp chán ngắt với bốn vách ngăn xám, một chiếc bàn xám cùng một cái máy tính cũng màu xám, điều này có thể rất gây ức chế. Hãy treo một cuốn lịch có hình mà bạn yêu thích, để vài bức ảnh gia đình và bạn bè trên bàn làm việc…hãy tìm cách để biến không gian đó thành của bạn. Thậm chí những việc đơn giản như ngắm nhìn một gương mặt tươi cười trong ảnh cũng có thể tạo động lực để bạn làm việc thật năng suất và nhắc nhở bạn rằng bạn đang làm việc vì ai.
10. Chủ động nghỉ ngơi lấy lại năng lượng
Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng công việc chỉ là một mảnh ghép của cuộc sống. Mặc dù thực tế là mọi thứ chúng ta làm đều có ảnh hưởng đến công việc. Không ngủ đủ giấc, bạn sẽ cáu gắt vào cuộc họp sáng hôm sau. Không ăn uống đầy đủ và tập thể thao, bạn sẽ cảm thấy uể oải cả ngày, và chưa nói gì đến cả ngày làm việc bạn vốn đã chả thích thú gì, điều này chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Hãy quan tâm công việc của bạn một cách toàn diện nhất có thể. Ăn uống đầy đủ, ngủ đủ giấc và tập thể thao đều đặn sẽ giúp bạn tăng năng lượng rõ rệt, cũng như nâng cao năng lực đương đầu với công việc mỗi ngày.
Ngoài ra, hãy cố gắng nghỉ ngơi trong lúc làm việc. Hãy dành ra 15 phút để giải lao vào buổi sáng và chiều. Đôi khi bạn sẽ không thể nghỉ trưa đầy đủ, nhưng hãy làm điều đó ngay khi có thể. Thay vì ngồi ăn trưa ngay tại bàn làm việc, chỗ mà bạn có thể bị nhờ làm gì đó, hãy ra ngoài đi bộ 30 phút hoặc mang một cuốn sách qua một quán cà phê gần đó. Việc chủ động nghỉ ngơi sẽ giúp “refresh” não bộ của bạn để chuẩn bị cho những giờ làm việc tiếp theo.
11. Có bạn tâm giao tại công ty

Việc bạn cứ ôm lấy mọi thứ một mình khi gặp bế tắc trong công việc chỉ khiến tình hình tệ hơn mà thôi. Với sếp và đồng nghiệp, bạn phải tỏ thái độ chuyên nghiệp và lịch sự khi đề cập đến vấn đề khối lượng công việc. Vì vậy, nếu có ai đó để bạn có thể thoải mái than thở hay kể lể về những khó khăn trong công việc cũng rất quan trọng. Đó có thể là người yêu hay đồng nghiệp của bạn. Nếu có thể nói với ai đó rằng: “Ngày hôm nay thật tệ,” có thể làm vơi bớt gánh nặng của bạn.
Điều này có thể hơi khó, vì bạn không thể thực sự nói ra hết những khó khăn trong công việc của mình với đồng nghiệp, ngay cả khi bạn và họ là những người bạn tốt. Đồng thời, hãy cân nhắc và cố gắng tiết chế những lời phàn nàn về công việc của bạn với người nhà. Chắc bạn cũng không muốn họ phải chịu đựng sự tiêu cực triền miên của bạn chứ?
12. Tập “thái độ biết ơn“
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tìm ra những điều tích cực nhằm cân bằng lại sự tiêu cực, hãy bắt đầu tập thói quen biết ơn, về mọi thứ. Bạn có thể viết ra một điều mỗi ngày mà bạn cảm thấy biết ơn về công việc của mình. Có thể là về chính công việc hay về kết quả của công việc.
Ví dụ, việc tôi có thể đọc sách trên xe buýt trước và sau giờ làm mỗi ngày là một điển hình của lòng biết ơn. Không phải công việc nào cũng cho bạn khả năng làm điều đó. Tôi cũng cảm thấy biết ơn vì mình đã khá độc lập trong công việc, ngay cả khi tôi không yêu những gì mình làm. Tôi chắc rằng mỗi ngày bạn đều có thể tìm ra một điều mà bạn cảm thấy biết ơn, ngay cả khi đó là những điều bạn cho là tẻ nhạt.
Nếu bạn cảm thấy biết ơn vì những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống – sức khỏe, gia đình, ngôi nhà để trở về, việc bạn có công ăn việc làm – thì bạn sẽ thấy một ngày làm việc không như ý của mình mang một màu sắc tích cực hơn. Biết ơn những điều đang diễn ra sẽ giúp những điều bạn ghét không thể chi phối cuộc sống của bạn.
Theo: https://www.artofmanliness.com/articles/how-to-deal-with-a-job-you-dont-like/