
Nghĩ khác đi để hạnh phúc hơn
Bước chân lên chuyến xe buýt cuối cùng trong ngày, tôi chọn cho mình một chỗ ngồi cạnh cửa sổ rồi ngã người ra ghế, bật một bản nhạc mình thích và ngắm nhìn thành phố về đêm với những tòa nhà cao chọc trời, lung linh ánh đèn đủ màu sắc. Bên ngoài cửa sổ xe là dòng xe cộ tấp nập, tiếng kèn inh ỏi suốt đoạn đường về nhà.
Thành phố về đêm thật đẹp và nhộn nhịp, nhưng cái đẹp ấy cũng không thể làm tôi ngừng cảm thấy mệt mỏi sau những giờ làm việc căng thẳng trên công ty, cuối mặt trước màn hình máy tính để rồi có những lúc quên đi thế giới bên ngoài, trời đang nắng hay đang mưa, tới giờ ăn trưa rồi à? Thoáng chốc, nhiều suy nghĩ chợt hiện lên trong đầu tôi rằng: “Tại sao mình phải làm việc nhiều đến như vậy, thậm chí là cả những ngày nghỉ với những việc làm thêm?” Chưa bao giờ tôi cảm nhận được sự trống trải, cô đơn đến lạ thường như lúc này, khóe mắt tôi cũng bắt đầu cay cay.

Mãi suy nghĩ, xe bỗng dừng đèn đỏ ở một ngã tư đường, tôi nhìn thấy một cụ già bán vé số. Cụ chống gậy, dáng người gầy gò, bước đi lợm chợm, trên tay là một cọc vé số, cụ mời khách khi xe dừng đèn đỏ, tự nhiên tôi thấy thật xót xa, “cụ đã lớn tuổi đến thế rồi cơ mà, con cháu cụ đâu sao lại không chăm sóc mà lại để cụ phải ra đường đi làm như vậy!”
Đèn xanh hiện lên, xe chạy thêm một đoạn, tôi lại chứng kiến cảnh một người vô gia cư làm nghề vá xe lưu động, đêm đến phải ngủ trên vỉa hè lạnh lẽo. Lòng tôi chợt thắt lại, có một cái gì đó đã tác động mạnh mẽ vào tôi, khi bản thân mình ngủ chăn êm, nệm ấm thì có biết bao người đến ngay cả chỗ ngủ đàng hoàng cũng không có. Hóa ra, không phải mình tôi làm việc quần quật mà ngoài kia còn biết bao nhiêu người khổ cực hơn, họ phải bôn ba giữa dòng đời mà mưu sinh.
Những hình ảnh ấy giúp tôi tự trả lời được câu hỏi của mình và luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng hơn, công việc mà tôi đang làm đã quá tốt, là một chiếc máy tính trong một văn phòng đầy đủ máy lạnh, tiện nghi, không phải ra đường dầm mưa, chịu nắng suốt ngày đêm. Tôi bỗng thấy yêu đời đến lạ, nhận ra bản thân mình còn may mắn rất nhiều, tôi có một công việc ổn định có thể tự lo cho bản thân và quan trọng tôi có một gia đình đầy đủ đang chờ tôi về mỗi khi tôi mệt mỏi – nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và trên chuyến xe ngày hôm sau, tôi quyết định dừng lại ở trạm xe buýt gần ngã tư đó, tôi mua giúp cụ hai tờ vé số, tặng cụ một hộp cơm, nó không nhiều nhưng đó là sự đồng cảm và mong muốn được sẻ chia từ tôi, đó không phải là sự ban bố. Cầm hộp cơm trên tay, cụ mừng lắm, rưng rưng nước mắt, trò chuyện với cụ một lát tôi mới biết cụ chỉ còn một đứa con bị bệnh, nên hàng ngày cụ phải kiếm tiền nuôi con.
Cụ bảo “Lâu lắm rồi bà mới có một bữa cơm ngon như vậy”. Tôi đoán chắc đó không phải bữa cơm có đồ ăn ngon mà là bữa cơm có người trò chuyện cùng. Tôi ngồi với cụ một lúc rồi chào cụ để về, tôi chỉ biết cầu cho cụ thật khỏe mạnh để có thể tiếp tục được ở cạnh con của mình. Tôi không có nhiều tiền và tiền lương cũng không cao nhưng tôi thấy vui lắm khi có thể san sẻ cùng bà, những hoàn cảnh còn kém may mắn.
Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền dần làm người ta tạm quên đi giá trị cuộc sống, điều đó càng thể hiện rõ ở những người lang thang hay quá nghèo khó, họ sợ rằng với kinh tế hiện tại của bản thân, khi bước ra ngoài xã hội sẽ không được ai tôn trọng, đón tiếp. Nhưng có một điều rằng, cuộc sống này chính là sự sẻ chia, sẻ chia từ vật chất cho đến tinh thần.
Mỗi người trong chúng ta đều có hoàn cảnh riêng, dù bên ngoài có mạnh mẽ như thế nào thì sâu bên trong vẫn yếu mềm và cần có người thấu hiểu. Và tình người với người bắt đầu lan tỏa, san sẻ với nhau, người có điều kiện đầy đủ giúp đỡ người thiếu điều kiện, vùng không thiên tai lên đường hỗ trợ vùng có thiên tai,… Tất cả đã làm nên những giá trị cao đẹp và đong đầy ý nghĩa, thắp sáng lên ngọn lửa yêu thương.

Cuộc sống giống như những mảng màu, và tất cả chúng ta là những mảnh màu để ghép lại thành một bảng màu hoàn chỉnh. Chính vì điều đó, chúng ta phải biết san sẻ để cuộc sống cân bằng màu sắc, ai cũng có lúc sáng, lúc tối chỉ hi vọng ai cũng giữ cho mình màu sắc tươi tắn trước cuộc đời đầy bão giông. Nhân lúc còn cơ hội hãy làm những điều tốt đẹp cho bản thân cũng như người khác, chắc chắn rằng những gì nhận được sẽ là sự vui vẻ và hạnh phúc. Tôi đã thử và nó thật sự là như vậy.
Tháng năm vội vã, khoảnh khắc như thế được mấy lần? Đây là câu hỏi tôi luôn tự đặt ra trong đầu mình những lúc được ở cạnh gia đình, người thân hay bạn bè bởi một điều rằng tôi sợ nó qua đi sẽ không trở lại nữa, tất cả rồi sẽ bị lãng quên khi ngoài kia dòng người hối hả làm việc, quên đi những thứ nhỏ bé và gần như thờ ơ với nhau. Cuộc sống này quá vô thường, ai không biết trân trọng sẽ mãi mãi mất đi thứ mình quý giá. Một kiếp người rồi sẽ đi đủ 4 chữ sinh, lão, bệnh, tử, quy luật cuộc sống không ai có thể thay đổi, cái duy nhất tôi có thể thay đổi chính là cách đối nhân xử thế của mình.
Ở đời, cái quan trọng không phải là có nhiều tiền mà cái cần có nhiều chính là tình, là nghĩa. Người ta nói “Không có tiền rồi mày sống kiểu gì?”, thật sự không có tiền thì tôi cũng không thể sống được, lấy gì mua đồ ăn, lấy gì mua thuốc khi đau yếu, bệnh tật. Nhưng mà tiền nó chỉ là phương tiện, tôi cố gắng kiếm tiền như bao người nhưng tôi sẽ không để nó chi phối đến suy nghĩ của bản thân. Kiếm tiền trên chính sức lao động của bản thân và biết cho đi khi cần thiết. Điều đó làm tôi vui vẻ, sống thảnh thơi và có động lực tiếp tục làm việc.
Đêm nay, tôi lại ngồi trên chuyến xe buýt sau giờ tan ca nhưng với tinh thần rất thoải mái, tôi nhận ra được giá trị cuộc sống và sống hết mình với những năm tháng tươi đẹp này, tôi đi dạo một vòng vòng quanh con đường ẩm thực, tự đãi cho mình một bữa ăn thật ngon rồi tản bộ về phòng. Đối với tôi, đó là hạnh phúc, hạnh phúc từ những điều nhỏ nhoi. Và với tôi, ai cũng có thể tự mình tạo ra một lối sống như vậy, bởi:
“Hạnh phúc cũng giống như bầu trời này vậy
Không chỉ dành cho một riêng ai!”
(Trích trong bài Thơ tự sự – Nguyễn Quang Vũ)
Tác giả: Nguyễn Ngọc Ánh