Nghỉ ngơi không chỉ là ngủ – 7 kiểu nghỉ ngơi mà chúng ta thật sự cần

Bạn đã bao giờ cố gắng khắc phục tình trạng thiếu năng lượng liên tục bằng cách ngủ nhiều hơn mà vẫn cảm thấy kiệt sức? Sự thật là: Ngủ và nghỉ không giống nhau, mặc dù nhiều người vẫn thường nhầm lẫn hai khái niệm này.

Nghỉ ngơi không chỉ là ngủ - 7 kiểu nghỉ ngơi mà chúng ta thật sự cần

Chúng ta thường nghĩ rằng khi ngủ đủ giấc thì cơ thể đã được nghỉ ngơi – nhưng thực tế, chúng ta đang bỏ lỡ những kiểu nghỉ ngơi khác mà cơ thể rất cần. Điều đó tạo nên nền văn hóa của những cá nhân có thành tích cao, năng suất cao nhưng luôn trong tình trạng mệt mỏi và kiệt sức. Chúng ta đang bị “thâm hụt” thời gian nghỉ ngơi vì không hiểu sức mạnh thực sự của việc nghỉ ngơi.

Nghỉ ngơi nên đồng nghĩa với việc phục hồi 7 khía cạnh quan trọng trong cuộc sống của bạn.

Kiểu nghỉ ngơi đầu tiên chúng ta cần là nghỉ ngơi thể chất, có thể thụ động hoặc chủ động. Nghỉ ngơi thể chất thụ động bao gồm ngủ và chợp mắt, nghỉ ngơi thể chất chủ động gồm các hoạt động phục hồi như yoga, liệu pháp kéo giãn và mát-xa giúp cải thiện tuần hoàn và sự linh hoạt, dẻo dai của cơ thể.

Thứ hai là nghỉ ngơi tinh thần. Có thể một người đồng nghiệp của bạn sẽ cần một tách cà phê lớn để bắt đầu mỗi ngày làm việc. Anh ấy thường cáu kỉnh, hay quên và rất khó tập trung vào công việc của mình. Khi chuẩn bị đi ngủ, anh ấy thường cố gắng “tắt công tắc não” của mình vì các cuộc trò chuyện trong ngày vẫn phủ đầy tâm trí. Mặc dù đã ngủ từ 7 đến 8 tiếng, anh ấy vẫn thức dậy với cảm giác như thể chưa ngủ được tí nào. Anh ấy đã bị “thiếu hụt” sự nghỉ ngơi tinh thần.

Nghỉ ngơi không chỉ là ngủ - 7 kiểu nghỉ ngơi mà chúng ta thật sự cần

Tin tốt là bạn không cần phải nghỉ việc hoặc đi nghỉ mát để khắc phục điều này. Hãy lên lịch nghỉ ngắn 2 giờ một lần trong một ngày làm việc của bạn; những khoảng nghỉ này có thể nhắc nhở bạn “sống chậm lại”. Bạn cũng có thể ghi ra bất kỳ suy nghĩ nào khiến bạn mãi “thao thức”.

Thứ ba là nghỉ ngơi về giác quan. Đèn sáng, màn hình máy tính, tiếng ồn xung quanh và nhiều cuộc trò chuyện – cho dù chúng đến từ văn phòng hay các cuộc gọi Zoom – có thể khiến các giác quan của chúng ta cảm thấy quá tải. Điều này có thể được khắc phục bằng cách nhắm mắt lại khoảng một phút vào giữa ngày hoặc chủ động rút phích cắm khỏi thiết bị điện tử vào cuối mỗi ngày. Những khoảnh khắc “mất cảm giác” này (sensory deprivation) có thể bắt đầu xóa tan những thương tổn từ thế giới quá nhiều nhân tố kích thích.

Thứ tư là nghỉ ngơi sáng tạo. Loại nghỉ ngơi này đặc biệt quan trọng đối với những ai phải “vắt não” cho ra ý tưởng mới. Nghỉ ngơi sáng tạo giúp đánh thức lại “điều kỳ diệu” bên trong mỗi chúng ta. Bạn có cảm xúc gì khi lần đầu tiên nhìn thấy Grand Canyon, đại dương hay thác nước? Hãy cho phép bản thân tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên – dù ở công viên địa phương hay ở sân vườn – đều sẽ giúp bạn nghỉ ngơi đầy sáng tạo.

Nghỉ ngơi không chỉ là ngủ - 7 kiểu nghỉ ngơi mà chúng ta thật sự cần

Nhưng nghỉ ngơi sáng tạo không chỉ là thưởng ngoạn thiên nhiên mà còn bao gồm việc thưởng thức nghệ thuật. Bạn hãy thử biến không gian làm việc của mình thành một nơi đầy cảm hứng bằng những hình ảnh về địa điểm bạn yêu thích hay những tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa. Bạn không thể dành 40 giờ/tuần nhìn chằm chằm vào khung cảnh trống trải hoặc lộn xộn và mong chờ cảm hứng sẽ đến, chứ đừng nói là nghĩ ra những ý tưởng sáng tạo.

Bây giờ hãy nghĩ đến một người mà mọi người thường hay nhớ đến khi có việc cần nhờ vả, người mà bạn biết ngay cả khi họ không muốn làm điều bạn nhờ nhưng vẫn sẽ cho bạn một chữ “có” miễn cưỡng. Tuy nhiên, khi chỉ còn lại một mình, người này cảm thấy không được đánh giá cao và bị người khác lợi dụng.

Những người này thực sự cần được nghỉ ngơi cảm xúc, nghĩa là có thời gian và không gian để tự do thể hiện cảm xúc của mình và không quan tâm đến việc làm hài lòng người khác. Nghỉ ngơi cảm xúc cũng cần có dũng khí thực sự. Họ có thể trả lời trung thực câu hỏi: “Hôm nay bạn thế nào?” rằng “Tôi không ổn” – rồi chia sẻ khó khăn của họ thay vì giấu kín.

Nghỉ ngơi không chỉ là ngủ - 7 kiểu nghỉ ngơi mà chúng ta thật sự cần

Nếu bạn đang cần nghỉ ngơi về mặt cảm xúc, có thể bạn cũng đang bị thiếu nghỉ ngơi xã hội. Điều này xảy ra khi chúng ta không phân biệt được đâu là những mối quan hệ giúp mình hồi phục sau những mối quan hệ “độc hại”. Để nghỉ ngơi về mặt xã hội nhiều hơn, hãy giao tiếp với những người tích cực và có thể hỗ trợ bạn. Ngay cả khi không thể tương tác trực tiếp, bạn cũng có thể trò chuyện với họ qua webcam và tập trung nói chuyện với họ.

Kiểu nghỉ ngơi cuối cùng là nghỉ ngơi tâm hồn, đó là khả năng kết nối vượt ngoài thể chất và tinh thần, khả năng cảm nhận sâu sắc về cảm giác thân thuộc, tình yêu, sự chấp nhậnmục đích sống. Để cảm nhận được điều này, hãy hòa mình vào điều gì đó vĩ đại hơn chính bạn và thêm hoạt động cộng đồng, cầu nguyện, thiền vào thói quen hàng ngày.

Như vậy, chỉ ngủ thôi không thể giúp chúng ta cảm thấy thư giãn thực sự. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta bắt đầu tập trung vào việc nghỉ ngơi đúng cách.

Nguồn: https://ideas.ted.com/the-7-types-of-rest-that-every-person-needs/

%d bloggers like this: