
[Phim] Joker (2019) – Hỗn loạn và ám ảnh – Khi những kẻ dưới đáy tầng xã hội vùng lên phản kháng
Đây không phải Joker mà chúng ta thường biết. Một Joker hoàn toàn khác.
Bộ phim tập trung vào việc khai thác sự xuống dốc trong tâm lí của nhân vật Arthur Fleck. Một kẻ sống tầng lớp thấp nhất của xã hội, ngày ngày căng mình ra để làm việc, chống chọi lại áp lực cuộc sống. Cùng với việc gánh vác gia đình, Arthur cố gắng theo đuổi ước mơ làm diễn viên hài để đem lại tiếng cười, xóa tan nỗi ưu phiền hàng ngày cho mọi người. Đáng tiếc thay, vở hài kịch xuất sắc nhất lại chính là bị kịch của cuộc đời anh. Kẻ bất hạnh bị tước đoạt một cách tàn nhẫn không thương tiếc, trở thành một gã tội phạm điên cuồng như một lẽ tự nhiên.
![[Phim] Joker (2019) – Hỗn loạn và ám ảnh - Khi những kẻ dưới đáy tầng xã hội vùng lên phản kháng](https://catchtheworld.net/wp-content/uploads/2020/05/100369917_271591743965995_8801163938980648903_n.jpg)
Diễn xuất thần thánh của Joaquin Phoenix chính là yếu tố quan trọng nhất tạo nên ấn tượng mạnh trong Joker (2019). Nếu từng mê đắm một Joker ma mị, tàn bạo trong The Dark Knight của huyền thoại Heath Ledger thì Joker của Joaquin Phoenix lại mang đến nhiều ngạc nhiên hơn, khai thác thêm những khía cạnh như tâm lí và sự biến chất của con người nhiều hơn. Từng cử chỉ và đặc biệt là điệu cười điên rồ, cuồng dại, mê sảng đều khiến chúng ta không sao rũ bỏ được sau khi xem phim.
Tiếng cười chính là một biểu tượng của bộ phim nhưng nụ cười của Joker chất chứa quá nhiều sự đau đớn, chua chát, những giọt nước mắt không thể nào rơi nổi mà chỉ có thể ứa ra đầy giả tạo qua vệt nước xanh dưới mắt của lớp trang điểm. Tiếng cười thực chất là một căn bệnh, một chiếc mặt nạ che lấp và đánh bóng không chỉ nỗi đau của Joker mà còn ngầm ám chỉ một thế giới thối nát, nhơ nhớp, mục ruỗng tột cùng mà ở đó đã sản sinh ra một kẻ như Joker.
Joker không chỉ có một, bất cứ ai khi bị đẩy vào đường cùng đều có thể sa ngã. Xã hội càng tồi tệ càng khiến cho thêm nhiều Joker nữa được sinh ra. Một vòng luẩn quẩn vô nghĩa cứ lặp đi lặp lại bất tận. Vậy phải chăng tiếng cười cũng là sự khinh bỉ, mỉa mai, giễu cợt của nhân vật chính?
![[Phim] Joker (2019) – Hỗn loạn và ám ảnh - Khi những kẻ dưới đáy tầng xã hội vùng lên phản kháng](https://catchtheworld.net/wp-content/uploads/2020/05/97272560_2418697955086763_6002697508614217789_n-2.jpg)
Một diễn viên hài diễn trò cho người khác, giờ đây tự làm khán giả của chính mình. Theo một cách hiểu khác, tiếng cười cũng có thể là khao khát tự do, được giải thoát, được đào tẩu khỏi xiềng xích khốn khổ của gã hề đa sầu đa cảm, lang thang trong bóng tối của chính mình. Một gã khùng tuyệt vọng.
Để làm được điều này, Joaquin đã phải tìm hiểu về những người mắc chứng không thể kiểm soát được việc cười hay khóc của bản thân. Thêm nữa, để nhập vai xuất sắc ông còn giảm tới 24 kg . Những nỗ lực không ngừng ấy đã làm cho vai Joker và cả bộ phim đạt đến gần thêm sự tuyệt vời.
Còn lại một vấn đề đó chính là những cảnh bị cắt. Việc cắt đi một số phân cảnh máu me, không hợp là nên có, nhưng cũng chính vì vậy mà một số đoạn không khỏi khiến người xem hụt hẫng.
Sau tất cả thì hãy nhớ chuẩn bị cho mình một cái đầu thật sự tỉnh táo nếu định xem bộ phim này. Khi đứng giữa ranh giới của kẻ tha hóa, chúng ta không thể chắc rằng đâu là đúng đâu là sai. Joker (2019) sẽ khiến chúng ta quay cuồng bởi những vấn đề đặt ra mà không một lời giải đáp.
Với tư cách là người xem, bên thứ ba được phê bình và nhìn nhận tổng quan về toàn bộ cốt truyện, chính chúng ta cũng không thể chắc được ai là kẻ có tội, ai đáng sống, ai phải chết. Trên đời này không chỉ tồn tại người xấu và kẻ tốt. Luôn có những bước chân loanh quanh giữa hai bờ vực ấy mà chẳng thể nào thoát ra nổi. Làm sao để phán xét những con người bị hoàn cảnh tha hóa nên như thế? Chúng ta chỉ cần nhớ rằng đây là một bộ phim tâm lí và bạo lực. Và dùng bạo lực để lên án bạo lực một nét “độc” của Joker (2019).
Trong con người chúng ta, bên cạnh phần người thì phần con vẫn luôn hiện hữu. Chất xúc tác để thả con quái vật ấy ra chẳng có gì đơn giản hơn một ngày thực sự khủng hoảng. Joker đã làm rõ hơn cho triết lý: “Một ngày thật sự tồi tệ cũng có thể biến người tỉnh táo nhất trở thành kẻ điên loạn.”
Tác giả: Vũ Phương Uyên