
[Sách] “Lược sử khoa học” – Một trong năm “kỷ quan” của nhà Lược Sử
Cuốn sách dành cho những bạn ưa khám phá, ham học hỏi và thích tìm tòi
_________________________________________________________________________
Khi bạn ốm, bạn có kháng sinh trợ giúp
Khi bạn khát, bạn có nước sạch để uống
Khi bạn ngắm sao, bạn có kính viễn vọng
Và khi
Bạn cần cập nhật tin tức, bạn có máy tính và Google
Vậy bạn có bao giờ thắc mắc:
Kháng sinh Penicillin là từ đâu tới?
Nước sạch đóng vai trò gì?
Kính viễn vọng từ đâu mà ra?
Và ai là cha đẻ của công nghệ?

Nếu ai nói với tôi, “Lược sử khoa học thật nhàm chán, nó là một cuốn sách khô khan và đầy lý thuyết” thì có lẽ người đó không hiểu về khoa học, không cảm nhận được những giá trị hiện hữu quanh ta và cũng chẳng biết ơn những người đi trước. Một cuốn sách hay không chỉ thể hiện qua những tình tiết cuốn hút, gây hài mà còn nằm ở khối lượng kiến thức đồ sộ mà ta được biết đến.
“Khoa học” không phải một câu chuyện tình yêu, cũng chẳng phải một vở kịch; nó không được trình bày dưới dạng một quyển truyện tranh hay một bức vẽ sinh động. Mà nó là một quyển bách khoa toàn thư, một bản tóm tắt hành trình dài suốt mấy nghìn năm lịch sử từ thuở sơ khai cho đến khoa học hiện đại. Tôi nghĩ nếu như bạn không phải là một người ưa thích tìm tòi, cuốn sách này có lẽ không dành cho bạn.
Khoa học, qua cách nhìn của William Byun, là những khám phá mới lạ, công trình phát minh vĩ đại, sự sáng tạo và trí tò mò vô hạn của các bậc thầy tri thức. Nó là những cuộc tranh luận, phản biện, những mảnh ghép chắp nối tạo nên bức tranh hoàn hảo, những lý giải sâu xa tường tận và thậm chí là niềm vui sướng của những thế hệ đi sau khi được đứng trên vai những người khổng lồ, được đọc và học hỏi những người đi trước. Có thể thấy, những bản ghi chép thời ấy có một tầm quan trọng đặc biệt trong sự phát triển của con người và vũ trụ.
Khoa học, giống như một cuộc chơi vô hạn, là một hành trình không giới hạn số lượng người tham gia, các quy tắc tri thức không ngừng thay đổi và những giải Nobel liên tục ra đời. Khoa học, là câu trả lời cho những câu hỏi “Tổ tiên chúng ta là ai?”, “Đâu là trung tâm vũ trụ”, “Chúng ta đến từ đâu?”, và “Chúng ta thừa hưởng những gì?”. Khoa học, nó nói cho chúng ta biết tri thức là sức mạnh con người và có một vị trí nhất định trong vũ trụ. Nhờ có hoạt động cấp cao của khoa học, Alexander Fleming tìm ra vai trò của nấm Penicillium và thuốc kháng sinh, mở đường cho y học, chữa khỏi các căn bệnh hiểm nguy của con người.
Khoa học, gồm có khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đi cùng với nó là sự đồng hành các bộ môn tự nhiên học, nhân chủng học, thiên văn học và tôn giáo. Nó giúp ta hiểu quy luật của máu đi nuôi cơ thể, chức năng vận hành các bộ phận quan trọng của tim, gan, phổi cũng như sự mê tín, yếu tố thần bí và những biểu hiện cảm xúc của con người và động vật.
Một câu hỏi tranh luận đã dấy lên sự thích thú của tôi “Liệu chúng ta có thể biết nhiều hơn những Đấng lỗi lạc thời trước hay không?”. Hàng nghìn năm trước, câu trả lời là không; tới hàng nghìn năm nay, lăng kính chúng ta đã thay đổi. Chúng ta luôn cho rằng chúng ta hiểu biết, cho tới khi biết thêm về một lĩnh vực mới, chúng ta lại trầm trồ “Ô, a thì ra nó là như thế”. Chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Mỗi một câu hỏi, một sự nghi ngờ sẽ mở đầu cho một hành trình khám phá mới, mà hành trình đó nhà khoa học sẽ dựa vào chính kinh nghiệm và nghiên cứu của mình để nối tiếp nghiên cứu dở dang của các nhà khoa học trước hoặc phản đối những quan điểm cũ đã được cộng đồng chấp nhận. Đó chính là khoa học.
Sẽ thế nào nếu chúng ta không công nhận những đóng góp từ cộng đồng người xứ Babylon, liệu chúng ta ngày nay có biết đến một năm có 365 ngày, một tuần có 7 ngày, một giờ có 60 phút và một phút có 60 giây? Chu trình của một năm có lẽ sẽ khác, có thể không phải 12 tháng mà là một con số lớn hơn hay nhỏ hơn.
“Lược sử khoa học” không chỉ nói đến kính hiển vi, máy tính, những ống thí nghiệm trong các phòng thí nghiệm, những bản nhật ký nghiên cứu truyền từ đời này qua đời khác như những gì người ta vẫn nghĩ khi nói đến khoa học mà nó còn miêu tả chi tiết cuộc đời sóng gió và quá trình phấn đấu, đấu tranh, của các nhà triết học tự nhiên.
Bên cạnh tấm giải Nobel về vật lý, người ta còn nhớ đến sự hy sinh của gia đình Pierre và Marie Curie trong quá trình nghiên cứu phóng xạ và quặng uraninit; công việc nghiên cứu hóa thạch khiến cuộc đời bà Mary Anning và người đàn ông Gideon Mantell khó khăn trong việc nuôi sống bản thân và gia đình họ, nỗi oan về một lời tựa sai lầm do một người khác gây ra mà thầy tu người Ba Lan Copernicus phải đón nhận trong lúc hấp hối … cùng những hành trình nay đây mai đó của những nhà khoa học khác.
“Lược sử khoa học” gồm 40 chương, quyển sách dày gần 400 trang được đánh giá là bước đệm đầu tiên cho những bạn mới tìm hiểu về con người và vũ trụ, nhanh chóng trở thành cột mốc giúp chúng ta đi sâu hơn vào những tri thức về khoa học, y học và tâm lý học.
Tác giả: Lê Việt Hương