
Tại sao chúng ta thường cảm thấy buồn chán vào những ngày mưa và ngày thứ hai?
- Thường sẽ có những ngày hoặc mùa nào đó khiến nhiều người cảm thấy buồn phiền hơn các ngày khác. Bài hát của The Carpenters đã thể hiện điều này một cách súc tính và ngắn gọn qua câu hát: “những ngày mưa và những ngày thứ hai luôn luôn khiến tôi cảm thấy muộn phiền”.
Nhưng trên thực tế, liệu chúng có thực sự là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy chán nản, phiền muộn hay không? Liệu cảm xúc của bạn có bị thay đổi theo thời tiết và theo mùa không?
Tuy nhiên, điều bất ngờ là thời tiết không hoàn toàn là “thủ phạm” của vấn đề này. Theo Psychology Today, áp suất khí quyển càng cao thì chúng ta càng ngủ ngon hơn. Bên cạnh đó, áp suất không khí thường có xu hướng cao hơn vào những ngày trời có nắng và quang mây. Vậy lý do nào lại khiến chúng ta muốn ngủ và thường cảm thấy buồn và chán nản hơn vào những ngày mưa nhỉ?
Ánh sáng và Bóng tối
Theo tự nhiên thì những vào những ngày mưa, ánh sáng sẽ ít hơn so với các ngày khác. Theo đó, hiện tượng tự nhiên này sẽ tác động tới chất dẫn truyền thần kinh – Serotonin có trong não của chúng ta. Theo đó, nếu bóng tối đồng nghĩa với việc đi ngủ, thì những ngày mưa u ám sẽ có xu hướng báo hiệu cho cơ thể chúng ta biết rằng đã đến lúc chúng ta phải nghỉ ngơi.
Bên cạnh đó, âm thanh của tiếng mưa rơi tí tách trên mái nhà và bên cửa sổ giống như một bài hát ru của thiên nhiên “dụ dỗ” chúng ta nghỉ ngơi và thư giãn vậy. Việc chúng ta sống chậm lại có thể giúp chúng ta nhận ra mình thực sự mệt mỏi như thế nào, nhất là trong một thế giới tràn ngập những áp lực và thiếu đi những giấc ngủ như ngày nay. Cảm giác chán nản và mệt mỏi có thể đến từ việc bạn không thể ra ngoài trời, hoặc thực tế là bạn sẽ có thể bị ướt nếu đi đâu đó.
Hoặc điều này cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề khác sâu xa hơn.
Nỗi buồn
Nếu bạn cảm thấy chán nản vào những ngày mưa, nó có thể không đơn giản chỉ là nỗi buồn. Nhà báo Laura McMullen của tờ U.S News cho rằng một số người mắc hội chứng gọi là: “Hội chứng rối loạn tâm lý theo mùa.” Hội chứng này thường dễ thấy nhất trong những tháng mùa đông khi trời có nhiều mây, mưa và tuyết trong nhiều ngày.
Ánh sáng giúp cơ thể sản xuất ra Serotonin – một loại chất giúp cải thiện tâm trạng của bạn. Ánh nắng mặt trời và các bài tập thể dục cũng là những cách tuyệt vời giúp làm tăng Serotonin. Tuy nhiên, thật không may là việc tập thể dục và hấp thụ ánh nắng mặt trời vào mùa đông đối với nhiều nơi là khó thực hiện hơn cả.
Theo nghiên cứu của McMullen, phụ nữ thường có nhiều khả năng trải qua “Sad” – nỗi buồn hơn là nam giới. Những người sống xa đường xích đạo hơn thường cũng trải qua cảm giác buồn và chán nản nhiều hơn vào mùa đông. Vì vậy, người dân ở Florida thường ít có khả năng đối mặt với những loại cảm xúc như này hơn những người sống xa hơn về phía bắc.
Mondays – Những ngày thứ hai
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ chú mèo mướp Garfield đáng yêu, mập mạp trong tập truyện tranh: “Tôi ghét ngày thứ hai”. Hình ảnh trong tập truyện tranh như ly cà phê, chiếc áo ngủ và chiếc mũ chú mèo đội, tất cả đều ngụ ý rằng thứ hai là ngày đáng ghét nhất trong tuần đối với chú mèo mướp Garfield.
Điều này cũng dễ hiểu thôi vì thứ Hai đồng nghĩa với việc hàng triệu người sẽ phải quay lại trường học hoặc văn phòng để làm việc – và gần như là không ai thích hai nơi này cả. Và thứ Hai cũng có nghĩa là bạn sẽ phải kết thúc quãng thời gian cuối tuần vui vẻ, thư giãn và thỏa thích làm bất cứ điều gì bạn muốn. Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi ngày thứ Hai trở lên thật đáng sợ đối với hầu hết chúng ta.
Nhưng có phải tất cả cảm xúc ấy chỉ là do tiềm thức?
Theo cây bút gạo cội Arthur A. Stone thuộc tờ Thời báo New York (New York Times), có nhiều bằng chứng cho thấy chúng ta ghét thứ Hai chỉ vì chúng ta luôn tin rằng mình rất ghét nó.
Arthur đã trích dẫn một số nghiên cứu cho thấy Thứ Hai không phải là ngày tồi tệ nhất trong tuần và thậm chí còn được nhiều người bình chọn là ngày được yêu thích thứ nhì trong tuần (chỉ sau thứ sáu).
Bên cạnh đó, ông cũng giải thích rằng hội chứng “Ngày thứ Hai buồn” bắt nguồn từ tâm lý hành vi cũng như việc chúng ta không thể hoàn toàn nhớ được các ngày hoặc sự kiện, hay nói cách khác là do “sự phân cách giữa niềm tin và trải nghiệm.”
Cuối cùng, Arthur chốt lại rằng, phản ứng của con người trước những sự thay đổi thường có xu hướng ảnh hưởng đến khả năng đánh giá tâm trạng và cảm xúc của chính mình. Sự thay đổi ấy đơn giản có thể hiểu là từ việc được “nghỉ xả hơi” vào cuối tuần hay lịch trình đi làm và đi học mệt mỏi bắt đầu vào ngày thứ Hai. Hai trải nghiệm đó quá khác nhau khiến chúng ta hay “đổ lỗi” cho ngày thứ Hai và thường đánh giá nó tiêu cực hơn.
Nói cách khác, chúng ta không thực sự ghét Thứ Hai. Tất cả chỉ là do tiềm thức mà thôi.
Cách nâng cao tâm trạng
Kể cả khi tất cả chỉ tiềm thức thì trên thực tế, chúng ta vẫn phải trải qua những ngày tồi tệ đó. Vậy, nên làm gì vào những “ngày buồn” ấy?
Nếu có thể lập tức đáp 1 chuyến bay thẳng đến Florida xinh đẹp đầy nắng gió thì chắc hẳn những cảm xúc tiêu cực kia cũng sẽ “biến mất trong 1 nốt nhạc” nhưng cách giải quyết này nghe có vẻ bất khả thi. Tuy nhiên, đừng lo lắng, bạn vẫn có thể làm nhiều việc nhỏ khác để cải thiện tâm trạng và giúp bạn vượt qua nỗi buồn chán.
Tập thể dục
Nếu bạn không thể ra ngoài, hãy tìm một phòng tập gần nhà để chạy bộ hoặc đi bơi để thư giãn. Có thể bạn không tin nhưng bơi vào mùa đông là 1 trải nghiệm rất đáng thử, hoặc bạn cũng có thể mua thiết bị tập thể dục tại nhà hay một đĩa DVD tập thể dục mà bạn thích để tạo động lực cho mình. Hãy biến chúng thành điều gì đó thú vị để giúp bạn quên đi những cảm xúc buồn chán kia.
Thức ăn
Tác giả Sarah Jio của tạp chí Woman’s Day gợi ý rằng ăn những món ăn yêu thích có thể giúp bạn cải thiện tâm trạng. Một số món ăn như salad, trứng, trà xanh, táo và một chút sôcôla đều là những cách tự nhiên giúp nâng cao tâm trạng và năng lượng.
Bạn cũng nên lưu ý tránh tiêu thụ quá nhiều caffeine hoặc đường. Mặc dù những chất này có thể giúp bạn cảm thấy phấn chấn ngay lập tức, nhưng những tác hại sau đó có thể khiến chúng trở thành một lựa chọn tồi.
Ánh sáng mặt trời
Khi tâm trạng bị giảm sút, một phương pháp lí tưởng khác là tìm cách để “tô điểm” thêm chút ánh nắng cho cuộc sống của bạn. Nếu khu bạn sống đang trải qua nhiều ngày âm u, bạn có thể cân nhắc mua một chiếc đèn chiếu ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên, trước khi mua, bạn nên tham khảo lời khuyên từ bác sĩ.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nên tận dụng ánh sáng mặt trời. Ánh sáng ban mai có thể giúp cải thiện tâm trạng của bạn. Khi mặt trời ló dạng, hãy cố gắng tìm cơ hội ra ngoài hay đơn giản là mở rèm và ngồi dưới ánh sáng mặt trời trong vài phút để tận hưởng sự ấm áp tươi mới đó nhé!
Khi tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn…
Nếu bạn cảm thấy rất chán nản hoặc tình trạng trầm cảm kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần, bạn cần phải lập tức đến gặp bác sĩ.
Trầm cảm là một vấn đề nghiêm trọng. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể đang mắc phải chứng bệnh này thì bác sĩ là người tốt nhất cho bạn câu trả lời và giải pháp để giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
Bất cứ khi nào tâm trạng không tốt, đừng chần chừ tìm kiếm những thứ giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Ngày mưa và ngày thứ hai buồn không chỉ của riêng ai. Chúng đến với tất cả chúng ta. Vì vậy, hãy tự tìm cho mình cách phù hợp nhất để vượt qua và sống thật hạnh phúc và vui vẻ nhé!
Nguồn: https://youmemindbody.com/mental-health/Rainy-Days-and-Mondays-How-Weather-and-Seasons-Affect-Your-Mood?fbclid=IwAR1qEmoh84A6wFBhVwYrmv7c-5w6XjdGUSeaXRyamNHayYZGRLj6tre9jp0