Thế nào là tích cực độc hại?

Tích cực độc hại là lối sống với niềm tin rằng dù cho hoàn cảnh có khó khăn hay tồi tệ đến đâu, con người ta vẫn nên duy trì một tinh thần lạc quan. Đó là một cách tiếp cận chỉ toàn màu hồng với cuộc sống. Lối suy nghĩ này chối bỏ mọi cảm xúc khó chịu để đạt được một sự phấn chấn, tích cực giả tạo bên ngoài thay vì những lợi ích đến từ việc suy nghĩ tích cực thực sự.

Thế nào là tích cực độc hại?

Ai cũng hiểu rằng thái độ sống lạc quan khi đối mặt với mọi vấn đề trong cuộc sống sẽ rất có ích cho tinh thần của con người. Tuy nhiên, vấn đề là cuộc đời không phải lúc nào cũng toàn những điều tốt đẹp. Tất cả mọi người đều phải đối mặt với những cảm giác và trải nghiệm đau thương. Tất nhiên, những cảm xúc đó luôn không mấy dễ chịu và khó khăn để đối phó, điều quan trọng và cần thiết ở đây đó là cảm nhận và đương đầu chúng một cách cởi mở và chân thật.

Sự tích cực độc hại đưa những suy nghĩ lạc quan đến một thái cực tổng quát hóa quá mức. Thái độ sống này không những làm quá lên tầm quan trọng của sự lạc quan mà còn làm giảm và chối bỏ những dấu hiệu của cảm xúc con người khi không thực sự hạnh phúc và tích cực.

Các dạng tích cực độc hại

Tích cực độc hại có thể tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau. Sau đây là một vài ví dụ mà bạn có khả năng gặp phải trong cuộc sống:

Khi điều gì đó tồi tệ xảy ra, chẳng hạn như khi mất việc, mọi người nói với bạn rằng: “vui lên đi” hoặc “nghĩ tích cực lên”. Những lời động viên như vậy thường thể hiện sự đồng cảm, chúng cũng có thể là một cách để không phải nghe bạn tâm sự về điều mà bạn đang trải qua.

Sau khi chịu một vài sự mất mát, mọi người nói với bạn rằng: “bất cứ điều gì xảy ra cũng có lý do”. Mặc dù họ nói như vậy bởi họ tin rằng mình đang ổn nhưng cũng là một cách để tránh đi nỗi đau cho người khác.

Khi bạn thể hiện sự thất vọng hay buồn bã, một vài người lại nói với bạn rằng: “hạnh phúc là một sự lựa chọn”. Điều đó có nghĩa rằng nếu bạn đang trải qua những cảm xúc tiêu cực, đó là sự lựa chọn và lỗi của bạn bởi bạn không chọn quyền được hạnh phúc.

Những lời nói như vậy thường mang chủ đích tốt, vấn đề là mọi người không biết nói gì khác và làm cách nào để đồng cảm – và điều đó có hại. Ở mức độ tốt nhất, chúng là những lời khích lệ sáo rỗng giúp bạn thoát khỏi phiền muộn để bạn không phải đối mặt với những cảm xúc của người khác.

Ở mức độ tệ nhất, chúng sẽ khiến những người đang trải qua tình trạng khó khăn cảm thấy xấu hổ và có phần tội lỗi.

Tích cực độc hại khiến mọi người từ chối tất cả sự giúp đỡ, động viên khích lệ đích thực mà họ cần để chiến đấu với những trở ngại đang gặp phải.

Tại sao tích cực độc hại lại “có hại”?

Thế nào là tích cực độc hại?

Sự tích cực độc hại thực sự có thể ảnh hưởng xấu đến bất cứ ai đang phải trải qua những khoảng thời gian khó khăn. Thay vì thấy có thể chia sẻ những cảm xúc rất đỗi con người và nhận được sự động viên vô điều kiện, họ sẽ thấy chúng bị chối bỏ, phớt lờ, hoặc hoàn toàn không đúng.

Sự xấu hổ: khi ai đó đang phải chịu đựng đau khổ, họ cần biết rằng những cảm xúc của mình đến đúng với lẽ tự nhiên, và họ có thể tìm thấy sự dễ chịu và tình thương yêu từ bạn bègia đình. Nhưng tích cực độc hại lại nói với họ rằng, thứ cảm giác mà họ đang trải qua là không đúng.

Cảm giác tội lỗi: nó truyền đi một thông điệp rằng nếu bạn không tìm thấy cách để cảm thấy lạc quan hơn, thậm chí là khi phải trải qua một bi kịch, bạn đang làm sai điều gì đó.

Chối bỏ những cảm xúc thực: tích cực độc hại hoạt động theo cơ chế né tránh. Lối suy nghĩ này cho phép con người ta bỏ qua những trạng thái cảm xúc không mấy dễ chịu. Nhưng đôi khi chúng ta lại tự đánh mất chính mình vào nó, nuôi dưỡng sự độc hại. Khi những cảm xúc khó khăn đến, chúng ta không đếm xỉa, phớt lờ và phủ nhận chúng.

Ngăn cản sự trưởng thành: việc cho phép chúng ta chối bỏ những cảm giác đau khổ cũng đồng nghĩa với việc từ chối khả năng đối mặt với những thử thách, thứ làm chúng ta trưởng thành và có cái nhìn sâu sắc hơn về các vấn đề trong cuộc sống.

Câu thần chú “chỉ cần lạc quan thôi là đủ” trở nên đặc biệt sáo rỗng và phiền phức trong bối cảnh toàn thế giới đang trải qua đại dịch COVID-19. Trong suốt những ngày dịch bệnh diễn ra, người dân trên toàn thế giới phải đối mặt với bệnh tật, lệnh phong tỏa, cách ly tại nơi được yêu cầu, ngừng kinh doanh, làm việc tại nhà, học online, mất việc và cả những khó khăn về tài chính.

Không chỉ phải hứng chịu những sự xáo trộn trầm trọng trong cuộc sống sinh hoạt, mọi người còn phải sống dưới áp lực duy trì sự năng suất và lạc quan, điều đó là vô cùng khó khăn và là một sự khủng hoảng về mặt tinh thần ở nhiều mức độ.

Theo báo cáo bởi hiệp hội tâm lý tâm lý Hoa Kỳ về những điểm nhấn năm 2020, có đến 46% người lớn và trẻ em dưới 18 tuổi tại Mỹ phải chịu đựng tình trạng căng thẳng thần kinh vô cùng nghiêm trọng trong suốt đại dịch.

Tất nhiên, lạc quan trong những thử thách và khó khăn là điều khả thi. Nhưng khi sự khủng hoảng luôn kề cạnh, chúng ta không cần những lời khuyên rằng hãy lạc quan lên đi hoặc cảm thấy bị đánh giá nếu không duy trì được cái nhìn tươi sáng.

Những dấu hiệu của tích cực độc hại

Thế nào là tích cực độc hại?

Sự tích cực độc hại đôi khi rất khó nhận ra, bằng cách học để nhận biết những dấu hiệu dưới đây, bạn sẽ có thể nhận dạng lối suy nghĩ này một cách khôn ngoan hơn. Các dấu hiệu bao gồm:

Chối bỏ vấn đề thay vì đối mặt chúng.
Cảm thấy tội lỗi khi buồn bã, tức giận, hoặc thất vọng.
Giấu đi cảm xúc thật của bản thân qua những câu châm ngôn sống tạo cảm giác hạnh phúc, lạc quan mà xã hội chấp nhận.
Che giấu hoặc ngụy trang điều mà bạn thực sự cảm nhận.
Hạn chế tối đa việc thể hiện cảm xúc của người khác vì chúng làm bạn khó chịu.
Khiến người khác xấu hổ khi họ không có thái độ lạc quan.
Cố gắng gồng lên để che đậy hoặc giả vờ vượt qua những cảm xúc tồi tệ.

Làm thế nào để tránh được sự tích cực độc hại?

Nếu bạn đang bị ảnh hưởng bởi sự tích cực độc hại hoặc nhận ra bản thân đang tư duy theo lối suy nghĩ này, dưới đây là một vài điều có thể giúp bạn phát triển những cách đối phó lành mạnh và hữu ích hơn khi gặp phải khó khăn, bao gồm:

Quản lý cảm xúc tiêu cực nhưng đừng né tránh chúng. Các cảm xúc tiêu cực có thể gây nên căng thẳng khi không thể kiềm chế chúng, nhưng cũng tạo ra những thông tin quan trọng dẫn đến những sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của bạn.

Trở nên thực tế về điều mà bạn nên cảm nhận. Khi phải đối mặt với một tình trạng đầy khó khăn, việc căng thẳng, lo lắng, hoặc thậm chí sợ hãi là vô cùng bình thường. Đừng kỳ vọng quá nhiều ở bản thân. Tập trung vào việc tự chăm sóc mình và thực hiện theo từng bước một sẽ giúp cải thiện tình trạng của bạn.

Tập trung vào việc lắng nghe người khác và thể hiện sự ủng hộ. Khi ai đó cho bạn thấy họ đang trải qua những cảm giác tồi tệ thế nào, đừng ngăn cản họ bằng những lời động viên sáo rỗng độc hại. Thay vào đó, hãy nói với họ rằng việc cảm thấy như vậy chẳng có gì là sai và bạn luôn sẵn sàng lắng nghe họ chia sẻ.

Chú ý cách bạn cảm nhận. Nhấn theo dõi các tài khoản với đầy sự “tích cực” trên mạng xã hội có thể là một nguồn cảm hứng tuyệt vời nhưng hãy chú tâm hơn vào việc bạn cảm thấy thế nào sau khi xem và tương tác với những nội dung như vậy. Nếu ngay sau đó là một cảm giác xấu hổ và tội lỗi, đó chắc hẳn là một sự tích cực độc hại. Trong những trường hợp như vậy, hãy tự giới hạn tần suất và cường độ sử dụng mạng xã hội.

Cho phép bản thân cảm nhận và đón nhận mọi cảm xúc thay vì phủ nhận và né tránh những cảm xúc tồi tệ. Chúng có thật, có giá trị và vô cùng quan trọng bằng việc giúp bạn nhận ra nhiều điều đang tồn tại trong hoàn cảnh khó khăn mà bạn cần đứng lên hành động để thay đổi.

Điều đó không có nghĩa rằng bạn cần phải hành động với mọi loại cảm xúc. Đôi khi học cách ngồi nói chuyện với chúng và cho bản thân thời gian và không gian suy nghĩ về tình trạng đang phải trải qua trước khi hành động là cần thiết.

Do đó khi bạn đang đối mặt với thử thách, hãy nghĩ cách để khiến những cảm xúc trở nên có ích. Viết nhật ký. Nói chuyện với bạn bè. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thể hiện cảm giác mà bạn đang trải qua dưới những dòng chữ có thể làm giảm bớt cường độ của những cảm xúc tiêu cực.

Thế nào là tích cực độc hại?

Thay vì nói:

Lạc quan lên nào!
Chỉ cần sống tích cực là được!
Nó có thể tồi tệ hơn đó.
Mọi thứ xảy ra đều có lý do.
Thất bại không phải một lựa chọn.
Hạnh phúc là một sự lựa chọn.

Hãy nói:

Tôi đang lắng nghe bạn.
Tôi sẽ ở đây dù có chuyện gì xảy ra.
Điều đó chắc hẳn thật khó khăn.
Đôi khi những điều tồi tệ vẫn xảy ra. Tôi có thể giúp gì được không?
Thất bại là một phần của cuộc sống.
Cảm xúc của bạn là đúng với lẽ tự nhiên.

Tóm lại là:

Tích cực độc hại thường được ngụy trang rất tinh vi, mỗi chúng ta đã, đang và sẽ có lúc tư duy theo lối suy nghĩ này ở một mức độ nhất định nào đó. Tuy nhiên bằng cách học để nhận dạng nó, bạn sẽ có khả năng tốt hơn để gạt lối tư duy này ra khỏi cuộc sống và thể hiện (hoặc nhận) được sự ủng hộ chân thành khi bạn phải đối mặt với những tình cảnh khó khăn.

Hãy bắt đầu chú ý đến những lời nói độc hại và cố gắng không ngừng để bản thân và những người xung quanh cảm nhận được cảm xúc của bạn, cả tích cực và tiêu cực.

Nguồn: https://www.verywellmind.com/what-is-toxic-positivity-5093958

%d bloggers like this: