
“Trùng Khánh Sâm Lâm” (Chungking Express) – Động lực từ những đổ vỡ, cô đơn và những người bạn vô hình
Khi nhắc đến sự cô đơn, chúng ta thường sẽ liên tưởng đến sự trống trải trong tâm hồn. Tuy nhiên, những con người khác nhau sẽ có những cách tiếp nhận sự cô đơn rất riêng như các nhân vật trong bộ phim Chungking Express (Trùng Khánh Sâm Lâm) của Vương Gia Vệ: 1 – giải quyết sự trống trải trong lòng bằng cách lấp đầy bụng bằng những kỉ niệm (dứa) đã sắp “hết hạn” và cô đơn đến nỗi nghĩ rằng dù là đồ sắp “hết hạn” nhưng vẫn quan trọng (vì hạn là ngày sinh nhật mình), tự tạo cho mình một cái cớ để đợi chờ rồi lại tự vắt kiệt “những kí ức buồn” bằng việc chạy bộ; 2 – coi sự cô đơn là điểm yếu, luôn lo sợ sẽ để lộ ra nên luôn mang theo chiếc “áo mưa”, luôn đeo “kính râm”, đội “tóc giả” tạo nên một vẻ ngoài lạnh lùng, sắt đá; 3 – trò chuyện với những vật vô tri vô giác, coi chúng như có linh hồn riêng để sống chung với nỗi cô đơn đến mức khó phân biệt được giữa ảo giác và hiện thực; 4 – tìm đủ mọi trò vui (âm nhạc, thích 3, đến thăm nhà 3…) để khiến mình trở nên tất bật và quên đi nỗi cô đơn bên trong của mình.

Nếu như bất cứ ai khi xem phim đều thấy những người trẻ ấy tưởng chừng như có cái gì đó liên quan đến nhau, nhưng mỗi người đều có một cuộc sống riêng, cách nhìn nỗi cô đơn riêng, thì theo quan điểm cá nhân của mình thì lại ngược lại. Khi xem những cảnh quay riêng biệt, hiệu ứng chuyển động giật giật khiến ta tưởng chừng như họ chẳng có sợi dây gắn kết nào với nhau, vì cuộc sống bận rộn mà đi qua nhau nhanh đến mức chẳng kịp quay đầu lại nhưng thực ra giữa họ có nhiều hơn một cái “chớp mi”. Chính sự cô đơn đã khép trái tim của chúng ta lại, khiến cho chúng ta gặp nhiều tổn thương, nhưng cũng chính sự cô đơn tạo nên cho ta những mối quan hệ mới mà ta còn chẳng thể ngờ được.
Nỗi cô đơn giúp ta tìm gặp được những mối quan hệ tuyệt vời, nhưng cũng có những mối quan hệ tưởng chừng sẽ chẳng bao giờ đánh mất, cứ ngỡ được xây dựng trên tình cảm thật lòng như tình cảm giữa A Vũ và May trong “niềm tin” của anh.
A Vũ tâm sự rằng có lúc thì “May wishes I were more like a Japanese star myself”, nhưng lúc khác “May always thought of me as “Mr. Cool”. Đây là lời thoại mang tính thức tỉnh. Con người dường như yêu cái lí tưởng, cái hình tượng mà mình đề ra trong đầu về một ai đó (cái gì đó) hơn là bản chất của người đó (bản chất của nó). Nhưng tiếc thay con người của chúng ta không thể cứ mãi hoài cố gắng gồng mình lên thay đổi để đáp ứng kì vọng của người khác mãi được. Bởi bản thân “May” là một cái gì đó rất mông lung và không chắc chắn. Khi con người thay đổi, xã hội thay đổi, lý tưởng trong đầu ta cũng thay đổi theo. Hôm nay ta có thể thích hoa hồng, ngày mai ta lại ưa hoa bồ công anh thì sao? Chính vì vậy, lời thoại này muốn nhắc nhở chúng ta rằng khi yêu bất cứ ai (kể cả bản thân mình), hãy yêu con người thật của họ.
Ngoài ra, nhân vật A Vũ còn truyền thêm lửa cho mình qua câu nói “The body loses water when you jog… so you have none left for tears.” Đây là một tâm sự về cách giải sầu khi thất tình, nên chẳng lạ khi ta cảm thấy lời thoại này khá là buồn. Nhưng nếu để ý kĩ, dây là một lời thoại hết sức tích cực. Đi bộ rất tốt cho sức khỏe, trái lại việc u sầu quá lâu không hề tốt. Chính vì thế, nếu như chúng ta tập trung sức lực vào làm những điều tốt đẹp cho bản thân và cho những người xung quanh, thì tự nhiên sẽ không còn chỗ trống cho những chuyện đau đầu. Hãy dốc sức vào làm những điều bạn thích, có như thế thì dù có đổ mồ hôi, hay mệt, bạn cũng thấy đáng.

Không chỉ cần có ý thức về bản thân, về mọi người, mà con người ta cần phải trân trọng họ từng giây từng phút bởi thời gian không thể ngừng lại và cái hạn thì lại đến quá nhanh “The date on the can tells me… that I don’t have much time left”. Chỉ khi nhận ra mình chẳng còn bao nhiêu thời gian ở bên nhau nữa, ta mới nhận ra thứ mình sắp đánh mất quan trọng đến nhường nào. Chính vì thế, khi còn ở bên cạnh nhau, hãy tôn trọng khoảng thời gian ta dành cho nhau, yêu thương, chia sẻ với nhau nhiều hơn.
Khi xã hội đầy rẫy sự che dấu, ta tự nhiên ẩn mình theo. Đấy là thực trạng cá nhân mình nhận ra khi đọc được lời thoại của nhân vật Người phụ nữ đeo kính bí ẩn: “Why the raincoat? I think it will rain. Somehow I’ve become very cautious. When I put on a raincoat… I put on sunglasses too. Who knows when it will rain… or when it will turn out sunny?”. Khi mọi thứ trở nên quá mơ hồ, con người ngày càng có thiên hướng mang theo mình một chiếc mặt nạ, cảm xúc thất thường (nắng mưa) được coi là những thứ cần chôn vùi đi, là những tổn thương, những cảm xúc thật cần phải che dấu. Nhưng đôi khi rầm mưa một chút lại làm cho lòng mình thanh thản hơn. Chịu cái rát của nắng nóng một chút mới biết trân trọng những ngày trời trong mây trắng. Nhỉ?
Nhắc đến sự che dấu, một lời thoại ngay lập tức “pop up” ở trong đầu mình “Buddy, I only work here. Who cares about how the cans feel? What about how I feel?” Đây là một lời thoại không mấy nổi bật trong phim, là phản ứng rất thường ngày nhưng lại phản ánh cái nhìn phổ biến của chúng ta về sự quan tâm ta dành cho nhau. Để ý kĩ ta sẽ thấy càng nhiều người, càng nhiều cuộc đời, khi khoảng cách của chúng ta càng xích lại, khoảng cách giữa các tâm hồn lại càng xa hơn, đến mức mà sự quan tâm bây giờ cũng chỉ là một món hàng để trao đổi. Người với người rất khó để hiểu nhau và càng khó để đặt mình vào vị trí, cương vị của người khác hơn.
Con người ngày càng trở nên ích kỉ, không chịu thấu hiểu cho người khác, hiểu nhau lại càng khó hơn. Mà số người hiểu sai từ “hiểu nhau” lại càng nhiều thêm.

“Knowing someone doesn’t mean keeping them.
People change.
A person may like pineapple today…
and something else tomorrow.”
Thấu hiểu một ai đó không có nghĩa là lưu giữ, nhốt lại hình ảnh của người đó ở trong đầu. Không có nghĩa là ta mặc định con người họ là như thế này, là thế kia. Bởi con người có thể thay đổi theo thời gian. Quan trọng là ta luôn đồng hành cùng nhau, chia sẻ những khoảnh khắc vui buồn bên nhau là được.
Đương nhiên để tìm được người như vậy thì rất khó. Chẳng hạn như nhân vật Faye mơ mộng, dù có quen nhiều người, tưởng là thân cận nhưng chẳng ai chịu hiểu cô:
“- I’m not daydreaming.
– Right. You’re not daydreaming. You’re sleepwalking.”
Câu nói này làm mình vừa vui, vừa buồn. Vui vì bản thân Faye hiểu rằng những khát khao, mơ mộng của cô ấy không chỉ đơn thuần là những ước mơ viển vông, những giấc mơ “giữa ban ngày”. Điều này giúp cho mình cho niềm tin vững trãi hơn về con đường của mình chọn. Buồn là vì dù cô ấy có kiên định và tin tưởng bản thân mình đến nhường nào, thì những người xung quanh cô, dù là người ở gần cô nhất, cũng chẳng tin tưởng vào cái giấc mơ mãnh liệt ấy, không cách này thì cách khác nói cô mơ giữa ban ngày hoặc mộng du mà không chịu thừa nhận niềm tin của cô ấy.
Đương nhiên ai trong chúng ta cũng cần học cách sống chung với cô đơn như các nhân vật trong Trùng Khánh Sâm Lâm. Tuy nhiên, thi thoảng hãy tìm đến một ai đó để tâm sự, để được an ủi rồi cùng nhau tiếp lửa cho những đam mê của mình nhé.
Tác giả: Robin Nguyen (Đỏ).