
Vì sao người thành công thường cô đơn?
Thế tiến thoái lưỡng nan của những người thành công
Tôi đang nghĩ đến thuật ngữ “tinh thần khởi nghiệp” trong phạm vi rộng – thiên về một quan điểm sống hơn là quan điểm về kinh doanh. Jim Collins từng nói rằng người dẫn dắt vận mệnh các doanh nghiệp – trong cuốn sách của mình, tôi gọi họ là “những doanh nhân của cuộc sống” – từ chối tô những bức vẽ đã có sẵn mã màu mà thay vào đó tự quyết định bức vẽ từ một tấm vải canvas chỉ có hai màu đen trắng và nỗ lực tạo nên một kiệt tác. Ông nói, “Hãy cố gắng kiến tạo một cuộc sống phản ánh thật rõ ràng cái chất riêng của bạn, một phong cách vừa như in với bạn.”

Trên trang blog của mình có tên “The Art of Non-Conventional Living” (tạm dịch: Nghệ thuật sống phi truyền thống), Chris Guillbeau cũng khắc họa tinh thần khởi nghiệp theo cách tương tự. Ông định nghĩa thuật ngữ “non-conformity” (tạm dịch: phi chuẩn mực) là “sự thiếu đi tính chính thống trong suy nghĩ hay niềm tin” hoặc “hành vi từ chối chấp nhận những nét văn hóa, thái độ hay quan điểm đã có sẵn.” Hay như doanh nhân Tim Ferriss, là người thành công trong việc từ chối công việc 9-to-5 nhàm chán và tìm việc nào đó khác mà ông thấy vui thích, có ý nghĩa và tối đa hóa sự tự do của mình để đi du lịch và tích lũy những kinh nghiệm mới.
Những triết lý này gợi ý rất nhiều về điều đó, thậm chí là quá hiển nhiên. Ví dụ như, cách để làm giảm sự đố kỵ với người khác – sự đố kỵ có thể làm “héo mòn” những bộ óc ưu tú – chính là tạo nên cuộc sống độc nhất vô nhị của riêng bạn mà từ đó có thể giúp ngăn chặn những so sánh nghe có vẻ hợp lý nhất.
Con đường mang tên “cuộc đời truyền thống” đã in dấu chân biết bao người, và sẽ luôn có ai đó bằng tuổi hay cùng lý lịch đang bước đi phía trước bạn. Việc đi một mình trên con đường của riêng bạn vô tình khiến những sự so sánh đều trở nên khập khiễng vì vốn chẳng có khuôn mẫu nào vừa vặn. Lòng đố kỵ giảm xuống, niềm hạnh phúc đích thực dành cho thành tựu của người khác tăng lên. Định nghĩa về thành công sẽ dần thiên về việc đạt mục tiêu vì bản thân mình thay vì cố chạy theo cho bằng người khác.
Tuy nhiên, đối với những người quá nhiệt tình thì có những thử thách “đáng sợ” vẫn âm thầm diễn ra, với cuộc sống đầy sự so sánh có tính “hủy diệt”. Thử thách đầu tiên có liên quan đến động lực. Nếu ý chí tiến lên của bạn chỉ đến từ người đứng phía trước bạn vài cen-ti-mét thì thật sự không ổn, bởi sẽ chẳng có mấy người bạn có thể “đẩy” bạn đến giới hạn của mình. Vậy nên, bạn nên là người khởi xướng của chính mình, còn không thì phải có động lực từ bên trong.

Thử thách thứ hai ngặt nghèo hơn liên quan đến các mối quan hệ về cảm xúc. Đi trên con đường của riêng bạn có nghĩa là … bạn đang đi một mình. Thật khó để trở nên gần gũi với mọi người, cơ bản là bởi những kinh nghiệm được chia sẻ mới là điều then chốt trong các mối quan hệ. Nếu bạn đang sống một cuộc sống “phi truyền thống” và không nhàm chán, có lẽ bạn đang tích lũy được những kinh nghiệm độc đáo của riêng mình.
Sẽ có rất ít người có thể hiểu tại sao bạn làm những việc mà bạn đang làm. Bạn cảm thấy bị hiểu lầm, điều này chính là vấn đề, bởi con người là sinh vật có tập tính xã hội, chúng ta dường như dành hầu hết thời gian mình có để cố gắng được người khác thấu hiểu – cố gắng diễn tả những điều đang diễn ra trong tâm trí mình. Những lần ăn kem một mình vào tối muộn được bắt đầu từ cảm giác chẳng ai “hiểu mình”. Và dĩ nhiên, bạn cảm thấy cô đơn.
Trong cuốn sách của mình có tên “Loneliness: Human Nature and the Need for Social Connection” (tạm dịch: Cô đơn: Thiên tính loài người và Nhu cầu kết nối xã hội), John Cacioppo nói rằng, “Cô đơn phản ánh cách bạn cảm nhận các mối quan hệ của mình. Trầm cảm phản ánh cảm nhận của bạn, chỉ vậy thôi.” Những người thành đạt, ưu tú phải cố gắng rất nhiều để tìm ra điểm chung với người khác, đồng thời cũng phải vật lộn với chính những mối quan hệ cá nhân vốn vô cùng thân thuộc, và nhất là với nỗi cô đơn.
Tôi không phải một người cô đơn. Nhưng như bao người khác, tôi vẫn có những giây phút như vậy. Dẫu cho cuộc đời của ai đó có đi theo khuôn mẫu hay các mối quan hệ của họ có vững mạnh đến thế nào, đôi khi những lúc cô đơn ngắn ngủi lại đúng với tiêu đề “What It’s Like to Be a Fucking Human Being” mà tiểu thuyết gia David Foster Wallace đã đặt cho cuốn sách của mình. Nói vậy để thấy rằng, điều này rất phổ biến, thậm chí còn “hợp thời”. Những số liệu về người Mỹ cho thấy họ không có bạn tâm giao và đang sống cô đơn.
Chẳng có gì đáng xấu hổ khi nói về điều này cả. Đây là cách mà tôi nghĩ về thử thách cô đơn ở mức độ “bi kịch.”
Trước hết, trong các mối quan hệ của mình, tôi tập trung vào những mối liên kết chặt chẽ hơn là lỏng lẻo. Tôi không hề nghĩ rằng ai đó có ba người bạn thân lại ít cô đơn hơn những người có tám người bạn không quá thân. Tất nhiên, vì còn trẻ và có những nỗi bất an, tôi vẫn gặp gỡ rất nhiều người mới, gieo những hạt giống mới, duy trì một con số bất tận các mối quan hệ chỉ-qua-email (ngạc nhiên thay lại rất xứng đáng và hữu ích), và nới lỏng vài mối liên kết chặt chẽ nào đó để dành chỗ cho những mối quan hệ mới tốt đẹp hơn.

Thứ hai, tôi làm việc để trở thành một người giao tiếp giỏi hơn, nhờ vậy mà tôi biết cách diễn đạt bản thân và bộc lộ cảm xúc với người khác tốt hơn, tạo điều kiện để thấu hiểu cảm xúc lẫn nhau.
Thứ ba, cô đơn khác trầm cảm, cô đơn cũng khác trạng thái đơn độc. Có một sự khác biệt giữa việc ở một mình và cảm thấy cô đơn. Tôi thích tắm nắng một mình. Tôi ghét sự cô đơn. Nhưng bản thân tôi cũng hiểu rằng cho dù tôi có yêu thích việc ở một mình đến mức nào đi nữa thì sự đơn độc quá mức – quá nhiều thời gian tách biệt khỏi các mối quan hệ – có thể dẫn đến sự cô đơn. Như A.C. Grayling từng nói: “Cuộc sống đa phần là về các mối quan hệ. Đôi khi, bạn có thể cho phép mình “bắt tréo chân” tận hưởng cảm giác ngồi một mình trên đỉnh núi cao. Nhưng đừng ngồi đó quá lâu.”
Cũng có vài “chiến thuật” hữu ích khác. Cơ bản nhất, tôi cố gắng giữ liên lạc với những người mình quen. Cách này thì đơn giản, nhưng nếu không có công đoạn này thì các mối quan hệ của bạn sẽ chẳng đi đến đâu cả. Tôi cũng nói chuyện với mọi người theo chủ đề để nghe cách họ suy nghĩ về chủ đề đó.
Ví dụ, Seth Roberts có một mẹo mà ông gọi là “gặp mặt buổi sáng, nghe tiếng buổi trưa.” Khi bạn thức giấc, hãy cố gắng nhìn vào gương mặt ai đó (trực tiếp, trên ti vi, qua máy tính hay thậm chí là chính bạn trong gương). Vào buổi trưa, hãy nghe đài hay podcast về những cuộc trò chuyện giữa nhiều người. Hãy tập trung nghe tiếng nói của họ.
Tóm lại: Cuộc sống theo kiểu doanh nhân không phải chỉ hoàn toàn “sang chảnh”. Việc đi theo con đường riêng và tích lũy nhiều kinh nghiệm độc đáo đồng nghĩa với việc cuộc sống của bạn sẽ ít có những “điểm giao cắt” với người khác, khiến những mối quan hệ thân thiết khó hình thành hơn và khiến nỗi cô đơn trở nên sâu sắc hơn.
Nguồn: https://heleo.com/ben-casnocha-successful-people-often-lonely/9072/