Mẹo tâm lý giúp cuộc trò chuyện của bạn thêm “mặn mòi”

Thử tưởng tượng bạn lướt qua một câu hỏi thế này: “Ê, có phải tàu Titanic bị xâm chiếm bởi người ngoài hành tinh không?”. Chắc hẳn bạn sẽ vừa nén một tràng cười khúc khích và biểu cảm thoáng hoài nghi, vừa dốc lòng tìm kiếm một câu trả lời không thể tường tận hơn cho câu hỏi đó. Chuyện gì vậy chứ?

Mẹo tâm lý giúp cuộc trò chuyện của bạn thêm "mặn mòi"

Câu trả lời hóa ra khá đơn giản. Đó là một thí nghiệm truyền thông xã hội kì lạ cho ra những kết quả bất thường, khi mà bạn – tỏ ra ngây thơ một cách có chủ ý – đưa ra một câu hỏi hoàn toàn sai.

Nói chung, con người thường có xu hướng sửa sai mọi thứ trong cuộc sống. Theo nghiên cứu này, xu hướng sửa sai cho người khác có thể được sử dụng như một công cụ để tăng sự tham gia tương tác của học sinh tới 80%.

Và kỳ lạ hơn nữa, điều này có thể áp dụng được cả bên ngoài trường lớp và không chỉ đối với các câu hỏi, các hành động cũng không ngoại lệ. Ví dụ, hồi nhỏ, lúc tôi không chịu làm việc nhà thì tôi sẽ đi táy máy xung quanh như một đứa ngốc cho đến khi mẹ tôi không thể chịu nổi nữa và làm mọi việc thay tôi. Tùy thuộc vào cách mà bạn áp dụng mẹo vặt thông minh này, nó có thể tạo ra một cuộc tranh luận khó quên hoặc trở thành một công cụ cực kì hữu dụng giúp bạn đạt được thứ bạn muốn.

Nhưng làm thế nào việc phát ngôn sai lệch đó lại có thể tăng sự đối thoại? Đặc điểm tính cách này của con người được gọi là “Định luật Cunningham”, một hiện tượng được cho là có ảnh hưởng đến hành vi của con người trong quá trình thảo luận.

“Hỏi ngu” để được khai sáng

Định luật Cunningham hoạt động được là bởi đôi khi bạn có thể bị kéo ra khỏi cơn mơ màng của mình chỉ với một miếng mồi thăm dò hay một mẩu dữ liệu mâu thuẫn, và thế là bạn bị kéo vào cuộc tranh luận rồi đấy.

Mẹo tâm lý giúp cuộc trò chuyện của bạn thêm "mặn mòi"

Ngay cả Sherlock Holmes trong tập phim The Great Game cũng nói rằng: “Người ta chẳng thích tiết lộ chuyện gì cho anh, nhưng họ lại thích mâu thuẫn với anh hơn đấy.” Vì thế nên nếu bạn tìm kiếm những câu trả lời thông minh, đừng đặt câu hỏi. Thay vào đó, hãy đưa một câu trả lời sai hoặc hãy hỏi một câu mà trong đó đã chứa sẵn những thông tin sai. Như thế thì mọi người sẽ thường sửa sai ngay cho bạn mà không hay biết rằng, chính bạn đã “quăng lưỡi câu” ra trước.

Một điểm khái quát của Định luật Cunningham là nó tương tự như điều Socrates đã cố làm gần 2500 năm trước: nhà triết học người Hy Lạp đã khiến rất nhiều người vào thời của ông phải buồn lòng bằng cách chất vấn về học thức của họ. Lời giải thích đơn giản và đúng nghĩa nhất để miêu tả về hiện tượng này đó là: Mọi người thường không muốn tỏ ra thích giúp đỡ, nhưng họ lại luôn muốn làm người thông minh nhất trong phòng.

Làm thế nào để sử dụng Định luật Cunningham

Có vài lần, để làm lợi cho mình, tôi từng quyết định sử dụng Định luật Cunningham bằng cách đặt ra những câu hỏi có chứa lỗi sai hòng tìm kiếm nhiều sự hồi đáp hơn. Lúc đầu tôi chỉ kì vọng một câu trả lời tồi thôi. Nhưng kì lạ thay, điều đó đã không xảy ra. Đây mới là chuyện đã diễn ra.

Tôi đăng ký làm giáo viên dạy giao tiếp tiếng Anh cho rất nhiều học sinh người Nhật. Công việc trở nên khó khăn khi mà lũ trẻ giữ im lặng hoặc đáp lại tôi bằng những câu trả lời chỉ với một từ duy nhất.

Khi tôi cho một đứa nhóc trầm tính một bức hình con voi và hỏi nó: “Con gì đây nhỉ?”, lũ trẻ tỏ ra buồn chán, bỏ đi, khóc, bất cứ thứ gì trừ việc trả lời câu hỏi của tôi. Nhưng nếu tôi nói, “Đây là một con hươu cao cổ nhỉ” thì chúng có thể tức thì đứng lên và hét to “Ôi không, đó là con voi chứ ạ!” – và cứ như thế chúng tham gia vào việc học. Việc tôi tỏ ra chả biết gì về một chủ đề mà chúng có hiểu biết cho lũ trẻ một vài quyền lực trong cuộc đối thoại và tạo dựng nơi chúng sự tự tin.

Mẹo tâm lý giúp cuộc trò chuyện của bạn thêm "mặn mòi"

Nếu tôi hỏi một người trưởng thành có tính cách khá cứng đầu rằng: “Hãy kể tôi nghe về công việc Kỹ sư của bạn đi”, họ sẽ thường trả lời tôi kiểu, “Tôi thiết kế các hệ thống”. Và tôi sẽ phải không ngừng đưa ra một chuỗi các câu hỏi tiếp theo đó và luôn nhận lại câu trả lời chỉ là những câu đơn – một quá trình mà không ai thích phải trải qua hết.

Nhưng nếu tôi thử chèn vào một điều gì đó sai sai, như là “Ồ thế ra bạn là một kỹ sư nhỉ. Có nghĩa là bạn làm mấy cái động cơ, phải không?” Họ sẽ chẳng thể kìm được mà phải cảnh tỉnh cái nỗi dốt nát của tôi ngay tức thì.

Họ sẽ đi sâu vào từng chi tiết để giải thích cho ra nhẽ rằng một kỹ sư là như thế nào và không phải như thế nào và bản thân họ thì thuộc loại nào. Tất cả những gì tôi phải làm là cứ mỗi vài phút lại xen vào “anh chắc chứ?” và họ sẽ tiếp tục thao thao bất tuyệt cho đến tận cuối cuộc nói chuyện.

Việc bạn cố tình đặt một câu hỏi chứa những thông tin sai và dùng nó để tác động lên hành vi của một người khác nghe thật điên rồ. Điểm yếu duy nhất của phương pháp này đó là đôi khi đối phương sẽ trở nên trịch thượng. Tuy nhiên, phần quan trọng hơn của luận điểm này đó là, thông thường, nhiều người sẽ sẵn sàng tham gia vào một cuộc nói chuyện hơn khi mà họ cảm thấy họ chiếm ưu thế.

Cảm giác đó khiến cuộc đối thoại trở nên cuốn hút hơn đối với họ. Công bằng mà nói, họ không biết lý do thực sự đằng sau mớ thông tin lệch lạc của bạn và đó là cái giá mà bạn phải trả cho việc thao túng tâm lý người khác. Nhưng nó thực sự đã cho một vài người thấy được mặt tích cực, và có lẽ như thế là đủ.

Nhìn chung, nếu bạn thường rơi vào “hố sâu” của những cuộc trò chuyện chán ngắt thì đặc điểm tính cách này có thể hữu ích nếu bạn muốn “thêm mắm dặm muối” cho cuộc trò chuyện của mình trở nên thú vị hơn.

Nguồn: https://medium.com/mind-cafe/a-psychological-trick-to-evoke-an-interesting-conversation-144ce6a376ae

%d bloggers like this: