Bạn chọn điều gì làm thước đo cuộc sống của mình?

So sánh bản thân với người khác là một phần thiên tính trong mỗi chúng ta, và thật bất thường nếu thay đổi điều này quá chóng vánh. Điều mà chúng ta có thể thay đổi là cơ sở của sự so sánh.

Bạn chọn điều gì làm thước đo cuộc sống của mình?

Đầu những năm 1980, một nghệ sĩ ghi-ta trẻ tài năng đã bị loại ra khỏi ban nhạc của mình. Bạn nhạc này mới chỉ ký được bản hợp đồng thu âm đầu tiên, và họ đang chuẩn bị cho album đầu tay. Một tuần trước buổi thu âm, họ đã sa thải thành viên chơi ghi-ta này. Không một lời cảnh báo, không một cuộc bàn bạc. Một ngày nọ, anh chàng chơi ghi-ta tình giấc và họ đặt ngay vào tay anh một tấm vé xe buýt để đi về nhà.

Anh bị mất tinh thần và cảm thấy bị phản bội. Không ai để tâm đến anh trong câu chuyện này. Không ai quan tâm anh nghĩ gì. Vào khoảnh khắc quan trong nhất trong sự nghiệp ngắn ngủi của ban nhạc, anh đã bị bỏ rơi bởi chính những người mà anh từng tin tưởng nhất.

Vì điều này, anh chàng đã thề phải lập nên một ban nhạc của riêng mình. Anh sẽ điều hành ban nhạc đó một cách tuyệt vời và thành công đến mức ban nhạc cũ kia sẽ phải hối hận vì quyết định sa thải anh. Anh sẽ trở nên nổi tiếng đến độ những con người kia sẽ phải dành cả phần đời còn lại để nghĩ về lỗi lầm khủng khiếp mà họ đã gây ra cho anh. Tham vọng của anh sẽ khiến họ phải trả giá vì sự thiếu tôn trọng xưa kia.

Anh thậm chí đã chiêu mộ được những nhạc sĩ còn giỏi hơn cả những thành viên của đội cũ. Anh sáng tác và diễn tập một cách đầy sùng bái. Khao khát trả thù lấp đầy đam mê, và cơn thịnh nộ làm bùng nổ sức sáng tạo trong anh. Chỉ trong vòng vài năm, ban nhạc mới của anh đã ký được một bản hợp đồng thu âm riêng và nhanh chóng đạt được thành công.

Anh chàng chơi ghi-ta đó chính là Dave Mustaine, và ban nhạc mà anh thành lập có tên Megadeth. Megadeth bán được hơn 25 triệu album và nhiều lần tổ chức các tua diễn vòng quanh thế giới. Ngày nay, Mustaine được coi là một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất và có tầm ảnh hưởng nhất trong dòng nhạc heavy metal.  

Thật không may, ban nhạc đã sa thải anh là Metallica. Metallica kể từ đó bán được 180 nghìn album trên khắp thế giới và được nhiều người công nhận là bạn nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại về dòng nhạc heavy metal.

Và bởi điều này, trong một buổi phỏng vấn thân mật hiếm hoi vào năm 2003, Mustaine đã thú nhận trong nước mắt rằng đôi khi, anh vẫn không thể ngừng coi bản thân là một kẻ thất bại. Dẫu cho tất cả những gì đã đạt được, anh vẫn là người bị đá ra khỏi Metallica. Hàng chục triệu album đã được bán ra. Nhiều buổi biểu diễn ở các sân vận động đầy ắp tiếng reo hò của fan. Hàng triệu đô kiếm được. Những, vẫn là một kẻ thất bại.  

Rõ ràng ngần đó chưa bao giờ là đủ.

Hầu hết các bài báo đều ra rả điều này, “Này, đừng so sánh bản thân với người khác, hãy vui vẻ lên, blah blah blah,” và rồi tất cả chúng ta đều xoay tâm chuyển ý, tin rằng đây là một bài học cuộc sống tuyệt vời và lại tiếp tục chia sẻ những bức ảnh hài hước về Miley Cyrus trên Facebook.

Nhưng lời khuyên này hoàn toàn nhảm nhí và vụn vặt. “Đừng so sánh bản thân với người khác.” Hay câu nói “Hãy là chính bạn,” và “Hãy tự tin,” tất cả đều thật vô ích.

Là con người, chúng ta gắn liền với sự so sánh. Đó là một phương diện đậm tính con người không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Chúng ta không ngừng cố gắng đánh giá xem mình đang ở đâu so với những người xung quanh.

Bạn chọn điều gì làm thước đo cuộc sống của mình?

Anh chàng kia có một chiếc xe hơi xịn hơn tôi. Cô ấy cao hơn tôi, nhưng tôi xinh hơn. Tôi thắc mắc không biết Bob kiếm được bao nhiêu tiền và liệu vợ anh ta có tiêu hết khoản tiền đó không. Ôi lay Chúa, tôi ước gì mọi người ở chỗ làm chịu lắng nghe tôi như cách tôi lắng nghe Jake vậy.

Sự so sánh và thôi thúc về địa vị là những phần thiên tính bên trong mỗi chúng ta, và thật bất thường nếu thay đổi chúng quá chóng vánh. Điều chúng ta có thể thay đổi được là cơ sở của những sự so sánh đó. Chúng ta đang áp dụng tiêu chuẩn nào? Có lẽ chẳng thể ngừng so sánh, đánh giá bản thân với người khác, nhưng chúng ta có thể quyết định sử dụng tiêu chuẩn nào để so sánh.

Một ví dụ đơn giản: Tôi không kiếm được nhiều tiền bằng những nhà điều hành và quản lý trong ngành nông nghiệp. Vì thế mà theo một tiêu chuẩn nào đó, bạn cũng có thể nói rằng tôi kém thành công hơn họ. Thực tế, nếu bạn đặt tôi bên cạnh ai đó trên máy bay, trong một nhà hàng sang trọng, tại một buổi hội thảo doanh nghiệp, hay trong một câu lạc bộ đêm xa xỉ, những môi trường đó sẽ khiến giá trị của tôi dường như bị hạ thấp. Xét theo những tiêu chuẩn đó, tôi rõ ràng sẽ không thể nào bằng họ được. Ngài VP của Monsanto đang ngồi ở khoang hạng nhất. Tôi thì không. Tôi đang bị “nhồi” vào khoang hạng trung giữa hai đứa trẻ con khóc lóc và một người phụ nữ mang bầu bị béo phì.

Nhưng tôi cảm thấy thoải mái khi giúp đỡ mọi người cải thiện cuộc sống của họ, trong khi ngài VP trên khoang hạng nhất lại “bòn rút” tiền từ hàng nghìn người nông dân nghèo khổ trên khắp thế giới, can dự vào thị trường thực phẩm thế giới và “góp sức” kéo dài cuộc sống nghèo đói của hàng triệu người ở những nước đang phát triển. Vậy thì, dù là hạng thương gia hay hạng trung, tôi vẫn sẽ cảm thấy giá trị của mình khác hẳn ông ta.

Bởi vì chính bạn là người quyết định thước đo thành công của bạn. Tôi không đo mức độ thành công của mình bằng việc phô trương tài sản tiền bạc. Tôi thích định mức thành công dựa trên các tác động xã hội và toàn cầu hơn. Liệu điều đó có hoàn toàn thiên kiến và vì bản thân hay không? Chắc chắn rồi. Và đó chính là vấn đề: bạn có thể lựa chọn thước đo thành công của mình.

Đa số chúng ta chưa được nghe điều này, điều không được dạy ở trường hay nhà thờ. Thực tế, hầu hết các hệ thống xã hội đều được xây dựng với bộ quy chuẩn riêng về thành công mà chúng ta được kỳ vọng đạt được hay đôi khi bị ép phải làm theo.

Đạt điểm số cao. Kiếm thật nhiều tiền. Đến nhà thờ. Mua những thứ đồ đẹp đẽ. Xây dựng một tổ ấm tuyệt vời. Xem đá bóng, vờ bị sốc khi Miley Cyrus lắc mông trên truyền hình.

Nhiều tiêu chuẩn trong xã hội là những thước đo hữu ích, nhưng không phải tất cả.

Chúng ta cần nhớ rằng những tiêu chuẩn kia không phải tuyệt đối và không nên để chúng giới hạn bản thân mình. Nhiều tiền tốt thật đấy, nhưng ai đó có thể lựa chọn không coi tiền là thước đo tuyệt đối của sự giàu có, mà chỉ là một công cụ hữu dụng để vươn tới sự thịnh vượng đích thực. Tôn giáo giúp hàng tỷ người sống có đạo đức, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn buộc phải tin vào tôn giáo thì mới có thể trở thành người tử tế và có đạo đức. Các mối quan hệgia đình đều rất quan trọng, nhưng điều đó không có nghĩa là giá trị của bạn sẽ bị hạ thấp nếu không có chúng.

Một lần nữa, chúng ta có cơ hội lựa chọn. Cái vừa hay lại vừa không hay là ở chỗ chúng ta đều khác biệt, cho nên gần như lúc nào những quy chuẩn kia cũng sẽ không giống nhau.

Bạn chọn điều gì làm thước đo cuộc sống của mình?

Thước đo cuộc sống của bạn là gì?

Giờ thì điều này đặt ra một câu hỏi: Bạn đo lường cuộc sống của mình bằng cách nào? Bạn sẽ lựa chọn cho bản thân những tiêu chuẩn nào để định nghĩa thành công?

Đây không phải một câu hỏi dễ trả lời.

Quay trở lại những ngày còn đi dạy về kỹ năng hẹn hò, tôi đã làm việc với rất nhiều người đàn ông có những tiêu chuẩn rất tệ mà họ dùng để định nghĩa thành công trong chuyện tình cảm của mình.

Những người đàn ông này muốn đánh giá “thành công” của mình dựa trên số lượng phụ nữ mà họ ngủ cùng, người phụ nữ họ hẹn hò quyến rũ ra sao (thường trên thang điểm 10) và trẻ trung thế nào, họ có thể hẹn hò bao nhiêu cô một lúc, và còn nhiều điều khác nữa. (Không phải ngẫu nhiên mà những người đàn ông có bộ quy chuẩn về thành công kiểu này lại chính là những người gặp vấn đề trong các mối quan hệ.)

Những tiêu chuẩn thành công kể trên rất có vấn đề, vì chúng biến những hành vi tai hại và vô duyên trông có vẻ kinh tế và chừng mực. Ví dụ, nếu tiêu chuẩn thành công của một người là hẹn hò với ai đó giàu có/nổi tiếng, vậy thì nói dối hay giả mạo ai đó cũng có thể biến thành một chiến thuật hợp lý để đạt được mục tiêu đó. Và dĩ nhiên, những “chiêu trò” này là hạ sách và từ đó sẽ hình thành những mối quan hệ tệ hại.

Đối với những gã như vậy, tôi có hẳn một cụm từ dành riêng cho họ gọi là “Giả thuyết hạnh phúc” khi tôi đang toàn tâm toàn ý tìm hiểu về tính hữu dụng của một tiêu chuẩn thành công.

Ví dụ, với những người này tôi sẽ thường nói: “Giả sử bạn được lựa chọn hẹn hò một trong hai người phụ nữ. Một người thì đẹp lộng lẫy nhưng chưa trưởng thành và bạn không vui vẻ mấy khi ở bên cạnh cô ấy. Người còn lại có ngoại hình hết sức bình thường nhưng bạn luôn cảm thấy vui vẻ thoải mái khi đi chơi cùng. Vậy bạn sẽ chọn người nào?”

Hay với những người đàn ông thích có nhiều bạn tình, tôi sẽ nói: “Này, anh thích làm gì hơn? Ngủ với 10 cô gái không hứng thú với mình? Hay chỉ với một người nhưng cô gái ấy mang đến cho anh cảm giác tuyệt vời mỗi đêm?”

Đa số mọi người sẽ thấy câu trả lời cho những câu hỏi này hết sức rõ ràng. Nhưng những ai không nghiêm túc trong chuyện tình cảm thì chắc sẽ cảm thấy khá khó khăn khi trả lời những câu hỏi này.

Lý do tôi đưa ra những ví dụ này là vì khi xem xét vấn đề xa hơn một cuộc hẹn hò, tôi thấy rằng những giả thuyết này có thể áp dụng tuyệt vời vào hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống của tôi. Chẳng hạn, đây là một câu hỏi hết sức kinh điển và sâu sắc:

“Bạn thà làm công việc mình ghét nhưng giàu có, hay chấp nhận mức thu nhập trung bình nhưng được làm công việc yêu thích?”

Câu hỏi dưới đây còn “thâm thúy” hơn một chút:

“Bạn muốn làm người nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng chẳng mấy quan trọng cho nhân loại (như xuất hiện trên chương trình truyền hình thực tế), hay là một người vô danh nhưng làm được những điều thực sự có ý nghĩa (như nghiên cứu phương pháp chữa bệnh ung thư)?”

Bạn có cho rằng chị em nhà Kardashian “thành công” hay không? Tại sao?

Dành cho những người cảm thấy mình luôn cần hẹn hò ai đó: “Bạn muốn tất cả những gì mình có chỉ là những mối quan hệ độc hại hay bạn chấp nhận ở một mình nhưng luôn cảm thấy hạnh phúc và thoải mái tinh thần?”

“Giả thuyết hạnh phúc” là công cụ hữu hiệu bởi chúng có thể cho ta thấy điều mà những tiêu chuẩn thành công thực sự ảnh hưởng đến ta như thế nào. Nhiều người nghĩ rằng các mối quan hệ sẽ khiến chúng ta hạnh phúc, nhưng sức khỏe tinh thần nên là mục tiêu cuối cùng, còn các mối quan hệ chỉ nên là “hiệu ứng phụ” mà thôi. Nhiều người cho rằng danh tiếng sẽ khiến ta hạnh phúc, nhưng con người ta chỉ thật sự hạnh phúc khi họ làm được điều gì đó có ý nghĩa, và danh tiếng chỉ nên là “phần thưởng” cho những hành động tốt đẹp.

Là con người, chúng ta đều được thôi thúc bởi niềm hạnh phúc và ý nghĩa sống, nhưng chúng ta cũng thường bận tâm về địa vị và những sự so sánh hời hợt, khập khiễng. Khi các giả thuyết hoặc tình huống được tạo ra, chúng có thể nhanh chóng giúp chúng ta biết được sự ưu tiên của mình là gì. Các công cụ này giúp chúng ta tự đánh giá sự thành công của bản thân.

Tôi chẳng hề nổi tiếng, nhưng tôi giúp cải thiện cuộc sống của mọi người. Điều đó khiến tôi thành công. Hiện giờ bạn còn độc thân và đang ở một mình, nhưng bạn cảm thấy hạnh phúc và tự hào về bản thân. Chính điều đó khiến bạn thành công.

Chúng ta phải cẩn trọng trong việc lựa chọn cách mình đánh giá sự thành công, bởi những tiêu chuẩn chúng ta lựa chọn sẽ quyết định mọi hành động và niềm tin của ta.

Chẳng hạn, nếu bạn đặt mục tiêu xem ti vi 12 giờ mỗi ngày là tiêu chuẩn thành công to lớn của đời bạn, vậy thì trong vòng vài tháng thôi, bạn sẽ thấy mình béo phì, cô đơn và đáng thương (có thể hiểu là “thành công theo cách của bạn”). Nếu bạn cho rằng việc mạo hiểm trở thành người buôn thuốc phiện vĩ đại nhất là định nghĩa của thành công, vậy thì bạn có thể sẽ thấy mình bị xử bắn đấy.

Những tiêu chuẩn để đánh giá thành công mà chúng ta lựa chọn sẽ dẫn đến những hệ quả lâu dài, thực tế, và chúng quyết định mọi thứ.

Bạn chọn điều gì làm thước đo cuộc sống của mình?

Tôi có một thử thách dành cho bạn: hãy dành ra một vài phút để lập ra giả thuyết hạnh phúc, với một chút động lực và khao khát mãnh liệt trong cuộc sống, sau đó hãy xem câu trả lời là gì. Bạn sẽ thấy việc tách tiêu chuẩn của bạn khỏi những thước đo thành công bên ngoài và đặt nó vào trạng thái hạnh phúc bên trong sẽ dẫn hướng bạn đến một cuộc sống có mục tiêu và nhiều thành quả hơn.

Giờ là một ví dụ gần đây của chính tôi:

Đầu năm nay, tôi đã thấy rằng mình thực sự lo lắng về số lượng những người đọc sách và trang blog của tôi. Tôi trở nên cáu gắt vì lần đầu tiên trong sự nghiệp của mình, số lượng độc giả cứ giậm chân tại chỗ. Tôi thấy mình ra sức đáp ứng mẫu số chung thấp nhất chỉ để có thêm lưu lượng truy cập. Tôi đã phải tự hỏi bản thân rằng: “Tôi sẽ chấp nhận viết về những chủ đề mà tôi chẳng mấy hứng thú để thu về lượt view khủng, hay chỉ cần một lượng độc giả nhất định để được viết về những điều mà tôi thật sự yêu thích?”

Điều đó nhanh chóng kéo mọi thứ vào một luồng suy nghĩ. Trước tiên, tôi cần viết về những điều quan trọng với mình trong cuộc sống, và sau đó là đem những bài viết đó đi giúp đỡ người khác. Chỉ bằng cách này, tôi mới viết được đúng điều mà mình cảm nhận.

Tiếp tục câu chuyện về Dave Mustaine, anh cảm thấy mình là một kẻ thất bại sau nhiều thập kỷ thành công rực rỡ bởi tiêu chuẩn thành công của anh không phải là đem đến điều gì đó tốt đẹp cho bản thân hay cho người khác, mà chỉ là “trở thành người giỏi hơn và nổi tiếng hơn Metallica”. Nhưng sẽ ra sao nếu Mustaine chọn niềm vui là thước đo thành công? Sẽ ra sao nếu anh quyết định đánh giá thành công của mình dựa trên việc âm nhạc của anh đã được công chúng đón nhận rộng rãi và nhiệt tình đến nhường nào, và anh đã cảm nhận được mình đang cháy hết mình với nghệ thuật như thế nào? Điều đó, lẽ ra, đã thay đổi tất cả.

Nguồn: https://markmanson.net/measure-your-life

%d bloggers like this: