(Sách) “Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại” – Chúng ta biết gì về Thành Cát Tư Hãn?

“… Như nhịp rung chuông mà ta vẫn còn có thể cảm thấy được rõ rất lâu sau khi tiếng chuông ngừng vang, Thành Cát Tư Hãn đã rời khỏi thế giới từ lâu, nhưng ảnh hưởng của ông vẫn vang dội tới tận thời đại của chúng ta…” Quả thực là vậy, Thành Cát Tư Hãn là cái tên đã quá nổi tiếng, và nổi tiếng nhất có lẽ ở sự tàn bạo trong suốt những năm tháng chinh phạt của mình.

Cậu bé Thiết Mộc Chân ngay từ nhỏ đã phải chịu nhiều cay đắng và bất công, nhưng chính những điều đó đã sớm cho người ta thấy phong thái của một người cầm quyền tài năng nhưng tàn ác: giết người anh trai cùng cha khác mẹ sau nhiều lần bị anh ức hiếp; tiêu diệt cả một bộ tộc Tatar để trả thù cho cái chết oan của cha; đánh tan tác tộc người Nữ Chân khi bị họ bội ước; giết tộc người Miệt Nhi Khất vì đã bắt vợ ông; giết người bạn tri kỉ Trát Mộc Hợp vì phản bội lời thề… Sau này, khi đã lên nắm quyền, ông vẫn liên tục tạo nên các cuộc xâm lược, cướp bóc tài sản không ngừng nghỉ, hợp nhất các bộ lạc từ châu Á cho đến châu Âu.

"Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại" - Chúng ta biết gì về Thành Cát Tư Hãn?

Nhưng đó không phải là tất cả về con người Thành Cát Tư Hãn. Bấy lâu nay, người ta thường chỉ nhắc đến những hậu quả do Thành Cát Tư Hãn và quân đội của ông gây ra mà dường như quên rằng ông thực sự là một một nhà quân sự lỗi lạc, một vị Hãn có được lòng tin tưởng sâu sắc của nhân dân thời đó, họ tôn trọng và tuyệt đối trung thành với đế chế của ông. Vì sao lại như vậy?

Ngay từ khi mới lên ngôi, Thành Cát Tư Hãn đã cho ban hành những đạo luật mới. Ông bãi bỏ chức tước quý tộc, cấm việc bắt cóc và buôn bán phụ nữ, miễn thuế cho các thủ lĩnh tôn giáo và những người cung cấp dịch vụ công,… Ông tuyên bố mọi trẻ em đều là hợp pháp và mọi người có quyền được tự do tôn giáo. Ông cấm săn bắn động vật vào mùa sinh sản. Ông cho ban hành một hệ thống chữ viết.

Ông đánh giá tài năng và thăng chức cho những người có công lao, tài năng và lòng trung thành thay vì dựa trên dòng dõi trong gia tộc. Ông đưa ra những chính sách đãi ngộ với người tài. Ông yêu cầu tất cả đều phải tuân theo luật lệ, kể cả chính mình. Ông cũng bãi bỏ luật tử hình và giảm nhẹ các bản án.

Thành Cát Tư Hãn còn là một người chồng, người cha có trách nhiệm. Với ông, chỉ có Bột Nhi Thiếp là vợ của mình. Đó là người phụ nữ duy nhất mà ông chịu nghe lời và thường hỏi ý kiến. Với các con, ông hiểu được điểm mạnh- yếu của chúng, dựa trên tài năng để chọn người kế thừa chứ không theo độ tuổi hay thiên vị.

Ở thời của Thành Cát Tư Hãn, nhân dân sống trong thái bình, dường như không phải bận tâm về nghèo đói hay xung đột. Thế nhưng, chỉ hơn 100 năm sau khi ông qua đời, đế chế vững mạnh ấy cũng sụp đổ theo. Các hậu duệ của ông dù tài giỏi nhưng không thể bảo vệ được công sức mà ông để lại. Các hậu duệ của ông hành động riêng rẽ và đã có không ít những cuộc tranh giành quyền lực diễn ra. Hốt Tất Liệt được xem như vị Hãn cuối cùng của triều đại này.

Ngày nay, mỗi khi nhắc đến Thành Cát Tư Hãn và quân đội Mông Cổ, chúng ta vẫn còn có những định kiến nhất định kèm theo một câu nói đã trở thành lịch sử: “vó ngựa quân Mông Cổ đi đến đâu là cỏ không mọc được ở chỗ đó”. Thế nhưng, cuốn sách này đã khiến mình tự hỏi bản thân rằng có phải chúng ta đã quá khắt khe với lịch sử, quá khắt khe với Thành Cát Tư Hãn và đế chế của ông hay không.

Người ta chỉ thường nghĩ đến những cuộc cướp bóc, những cuộc chiến đẫm máu mà quên mất đi những gì ông đã làm được cho dân tộc ông cho đất nước ông. Nếu không có Thành Cát Tư Hãn, liệu có chăng thế giới ngày nay? Đứng từ góc độ hiện tại nhìn về quá khứ, với mong muốn hiểu hơn về lịch sử, mỗi chúng ta nên có cái nhìn đa chiều để có cái nhìn công tâm hơn về một nhà quân sự tai tiếng của thế giới, cũng như có cách hiểu khác hơn về hai từ “Mông Cổ” mà bấy lâu nay ta vẫn từng!

Lương Thị Ngọc Chi

Leave a Reply

%d bloggers like this: