Cảnh báo từ 11,000 nhà khoa học: Biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở nhiệt độ

Đúng 40 năm về trước, một nhóm nhà khoa học gặp nhau lần đầu tại hội nghị khí hậu ở Geneva. Khi đó, họ đã đưa ra cảnh báo về những xu hướng khí hậu đáng lo ngại sắp xảy ra.

Ngày nay, hơn 11,000 nhà khoa học đồng loạt ký vào thư của tạp chí BioScience, nhằm kêu gọi những hành động khẩn cấp về khí hậu. Đây cũng là con số lớn nhất cho thấy các nhà khoa học hoàn toàn ủng hộ việc công bố kêu gọi hành động vì khí hậu. Họ đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau, cho thấy những tổn hại mà biến đổi khí hậu gây ra ảnh hưởng đến mọi ngóc ngách trên thế giới.

Tại sao không có gì thay đổi?

Nếu bạn nghĩ trong 40 năm qua tình hình không thay đổi nhiều, điều đó không hề sai. Ở phạm vi toàn cầu, khí thải nhà kính vẫn tiếp tục tăng, kéo theo nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Trọng tâm từ trước đến nay phần lớn vẫn là theo dõi nhiệt độ bề mặt Trái Đất. Điều này đồng nghĩa với việc đặt mục tiêu như “ngăn chặn nhiệt độ toàn cầu nóng lên mức 2℃” sẽ mang đến thông điệp vừa đơn giản lại dễ truyền tải.

Tuy nhiên, biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở nhiệt độ toàn cầu.
Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi theo dõi nhiều tập hợp chỉ số hơn để cho thấy những tác động của con người lên lượng khí thải nhà kính, các hậu quả nhân loại để lại cho khí hậu, môi trường và cả xã hội.

Các chỉ số này bao gồm sự gia tăng dân số, độ che phủ rừng giảm, tỷ lệ sinh nở, trợ giá nhiên liệu hóa thạch, độ dày sông băng và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Tất cả đều có liên quan đến biến đổi khí hậu.

Dấu hiệu cảnh báo trong 40 năm qua

Cảnh báo từ 11,000 nhà khoa học: Biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở nhiệt độ

Các dấu hiệu cảnh báo có liên quan chặt chẽ với các hoạt động của con người như sự gia tăng đều đặn mật độ dân số và động vật nhai lại, thất thoát rừng che phủ toàn cầu, sự tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, số lượng hành khách đi máy bay và khí thải carbon dioxide.

Những tác động của biến đổi khí hậu gần đây đang diễn ra theo chiều hướng đáng lo ngại. Sông băng đang biến mất nhanh chóng, đại dương nóng lên, tình trạng axit hóa của đại dương, mực nước biển và các hiện tượng thời tiết khắc cực đoan đang có xu hướng tăng cao.

Các hiện tượng trên cần được theo dõi sát sao để có thể đánh giá cách chúng ta ứng phó với tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Một trong số chúng có thể chạm tới đỉnh điểm không thể cứu vãn được, tạo ra vòng lặp thảm khốc biến nhiều khu vực trên Trái Đất thành nơi “đồng không vườn trống”.

Sự cần thiết trong việc báo cáo thường xuyên

Chúng tôi khuyến khích chính phủ các nước đưa ra báo cáo về kết quả của các khuynh hướng mà họ ghi nhận được. Các chỉ số chúng tôi công bố cho phép các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng hiểu rõ hơn về tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này, giúp họ theo dõi tiến trình và điều chỉnh lại các hạng mục ưu tiên nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Thậm chí, một vài chỉ số có thể được công bố hàng tháng thông qua các bản tin, bởi chúng được cho là quan trọng hơn các xu hướng sắp tới trên thị trường chứng khoán.

Không bao giờ là quá trễ để hành động

Cảnh báo từ 11,000 nhà khoa học: Biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở nhiệt độ

Thông qua nghiên cứu, chúng tôi đề xuất 6 biện pháp thiết yếu và có liên hệ với nhau mà chính phủ và người dân có thể thực hiện nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu:

1. Ưu tiên sử dụng năng lượng hiệu quả, thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng những nguồn năng lượng tái tạo có hàm lượng carbon thấp.

2. Giảm phát thải các chất ô nhiễm tồn tại trong thời gian ngắn như metan và bồ hóng.

3. Bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái Trái Đất bằng cách hạn chế phát quang đất.

4. Giảm lượng tiêu thụ thịt.

5. Tránh các mô hình phát triển kinh tế và tiêu thụ nguồn lực không bền vững.

6. Ổn định và giảm thiểu dần sự gia tăng dân số, đồng thời nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Chúng tôi biết những lời khuyên này không hề mới mẻ. Nhưng để giảm thiểu và cải thiện tình trạng biến đổi khí hậu đòi hỏi rất nhiều sự thay đổi trên khắp cả 6 châu lục.

Chúng ta làm được gì?

Mỗi cá nhân đều có thể tạo nên sự khác biệt bằng cách giảm lượng thịt tiêu thụ, bỏ phiếu cho các đảng chính trị và thành viên chính phủ có chính sách rõ ràng nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, không dùng nhiên liệu hóa thạch khi có thể, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo sạch, hạn chế di chuyển bằng xe cá nhân và máy bay và tham gia các phong trào cộng đồng.

Những thay đổi nhỏ sẽ giúp truyền cảm hứng cho các thay đổi về chính sách và các mô hình kinh tế ở quy mô lớn hơn. Chúng tôi cũng được khích lệ bởi sự quan tâm nồng nhiệt gần đây trên toàn cầu. Chính phủ ở nhiều nước cũng thông báo vấn đề khí hậu đang ở mức đáng báo động. Những cuộc vận động của người dân yêu cầu cần phải có sự thay đổi.

Là những nhà khoa học, chúng tôi khuyến khích mở rộng việc sử dụng các chỉ số mà chúng tôi đưa ra nhằm theo dõi sự chuyển biến trên khắp 6 châu lục nhằm thay đổi quỹ đạo của hệ sinh thái.

Nguồn: theconversation

Leave a Reply

%d bloggers like this: