3 kiểu lừa dối: giả lập tình huống, nói dối và đánh lừa

Sự dối trá có thể được hình thành từ nhiều cách khác nhau và không chỉ có ở loài người, đây cũng được xem là một hành vi phổ biến ở các loài động vật khác.

“Như nước không thể hòa tan dầu, dối trá sẽ không bao giờ che lấp được sự thật.” – Miguel de Cervantes.

Con người là loài nói dối bẩm sinh. Chúng ta có thể tự tin mà nói rằng chẳng ai trên Trái Đất này lại có thể thành thực hoàn toàn trong mọi khoảnh khắc của cuộc đời. Có nhiều dạng lừa dối được con người sử dụng, mỗi dạng lại có nhiều mức độ, lý do và tất nhiên là hậu quả khác nhau.

Lừa dối được xem là hành vi vi phạm đạo đức. Tuy nhiên, đây có thể là lối suy nghĩ sai lầm bởi dối trá là bản chất tự nhiên của con người, hơn nữa, việc tạo dựng tình huống giả, nói dối hay sử dụng chiêu trò, ở mức độ nào đó, là hợp lý tùy vào từng hoàn cảnh khác nhau.

Tương tự, khái niệm về sự thật vẫn còn là một câu hỏi lớn bởi không dễ dàng gì để có thể đưa ra sự thật toàn vẹn cho một vấn đề. Bạn thậm chí có thể tin và thường xuyên làm theo một việc gì đó mà không hề biết rằng, việc đó không đúng. Trong khi đó, việc chỉ ra tính tương đối của vấn đề đạo đức lại đáng giá hơn hết.

3 kiểu đánh lừa trong tự nhiên

3 kiểu lừa dối: giả lập tình huống, nói dối và đánh lừa

Loài người không phải là giống loài duy nhất sử dụng nhiều kiểu lừa dối. Thiên nhiên ngoài kia có đầy các loài động vật sử dụng đủ các chiêu trò để đánh lừa thú săn mồi, hoặc thực hiện hành vi nào đó để giành được thứ chúng muốn. Chúng đánh lừa nhau như một cách để sinh tồn.

Khi một con mồi đứng im trước mặt kẻ săn mồi, đó là nó đang thực hiện một “động tác giả”. Hành vi tương tự xảy ra khi những con vật ngụy trang để giúp bản thân lẫn trốn. Mục đích của những hành vi này nhằm để đánh lừa những con thú săn mồi. Và một hành vi khác tương tự nữa là khi một con vật khiến đối thủ của nó mất tập trung để đoạt lấy thức ăn.

Con người chúng ta đã biết nói dối từ rất sớm vì những lý do khá giống nhau. Bảo vệ bản thân là một phần bản chất của động vật. Đó được gọi là bản năng sinh tồn. Do đó, sự thành thật tuy là một hành vi được rèn luyện nhưng ý nghĩa của nó lại khác nhau tùy vào từng xã hội. Sự thành thật, trong một số xã hội, chỉ là một phần của hiệp ước chung sống hòa bình; ở một số khác thì nói dối là biểu hiện của tội lỗi.

Giả lập tình huống (Giả vờ)

3 kiểu lừa dối: giả lập tình huống, nói dối và đánh lừa

Giả lập tình huống là hình thức ít được biết đến trong số các kiểu lừa dối. Nói một cách dễ hiểu hơn, đó là hành vi giả vờ. Điều này ngầm hiểu rằng, sự thật có thể bị “bẻ cong” tới mức độ nhất định nào đó.

Cũng như các hình thức lừa dối khác, kiểu giả lập tình huống cũng có ba mức độ khác nhau. Đó có thể là phủ lên một chút lớp trang điểm cho cuộc dạo chơi vào chiều tối, cho tới việc che giấu đi các góc khuất trong cuộc đời bạn, thậm chí là khoác lên mình một danh tính mới.

Tại sao con người lại dùng kiểu lừa dối này? Câu hỏi có thể được trả lời bằng nhiều cách khác nhau. Có thể là để thu hút người khác, cũng có thể là vì sự sống còn của bản thân. Chẳng hạn như, một người cố tỏ ra mạnh mẽ để chống lại kẻ thù của mình. Cũng như con người cũng có thể vờ đau khổ để trục lợi cho bản thân.

Nói dối và đánh lừa

Mặc dù hai kiểu này khá giống nhau, tuy nhiên chúng vẫn có những điểm khác nhau nổi bật. Nói dối là hành vi liên quan đến tuyên bố bằng lời nói. Nghĩa là, bạn hiểu điều mình nói ra không phải là sự thật nhưng lại khẳng định đây là sự thật.

3 kiểu lừa dối: giả lập tình huống, nói dối và đánh lừa

Sự đánh lừa lại là một khái niệm rộng hơn. Bạn có thể đánh lừa ai đó không chỉ bằng lời nói, mà song hành với đó là cả diễn xuất hoặc bằng cách tạo ra những tình huống nhằm che đậy sự thật. Sự đánh lừa bao gồm cả một kế hoạch, dù đơn giản hay phức tạp. Trường hợp này còn có cả quá trình nâng cao nhận thức.

Ở loài người, các kiểu giả lập tình huống, nói dối và đánh lừa đều có thể diễn ra rất phức tạp. Và điều gì lại khiến cho những hành vi này bị xem là trái với đạo đức? Chỉ có hai lý do: động cơ và mục đích.

Vài năm trước ở Colombia, đã có một cuộc bố ráp tấn công đội quân du kích và 3 kiểu đánh lừa nói trên đã được sử dụng. Cuộc bố ráp này đã giúp giải thoát các con tin. Vậy sự việc này có được xem là hành động “trái với đạo đức” hay không? Chắc hẳn rằng bạn cũng luôn tự hỏi bản thân mình câu hỏi tương tự trong cuộc sống hằng ngày.

Giả lập tình huống, nói dối và đánh lừa không hoàn toàn là các hành vi vi phạm đạo đức, mà ngược lại, chúng ta phải xem xét động cơ và mục đích sử dụng chúng. Dù cho thế nào đi nữa, việc tìm hiểu các hành vi trên sẽ giúp bạn có nhận thức rõ ràng hơn thay vì hoàn toàn phủ nhận chúng chỉ vì lý do đạo đức.

Nguồn: exploringyourmind

Dịch bởi Võ Ngọc Mai Thy

Leave a Reply

%d bloggers like this: