Người luôn “chạy” là có số khổ?

Mỗi khi thấy tôi trong tình trạng chạy đi chạy lại trong nhà, mẹ tôi đều nói: “Làm gì mà cứ chạy miết vậy hả? Người không thong thả được gì cả, đúng là có sổ khổ?”

Người luôn “chạy” là có số khổ?

Lúc nhỏ, tôi cứ nghĩ đó chỉ là câu đùa của mẹ mà thôi, mãi tận sau này, khi tôi hỏi mẹ: “Cứ hay chạy như vậy thì sau này số khổ thật hả mẹ?” thì mẹ tôi lại trầm ngâm một chút và nói rằng: “Có thể là vậy”. Khi nghe được câu nói ấy, bạn đoán tôi đã nghĩ gì? Thực chất ngay lúc đó tôi đã chẳng nghĩ gì cả, nhưng sau hôm đó, mỗi khi nghe mẹ nói như thế, lòng ngờ vực trong tôi cứ tăng lên, và mãi đến tận hôm nay tôi mới nhận ra rằng, ngay từ đầu tôi vốn đã không tin điều đó, chỉ là vì chưa có lời giải thích hợp lý cho chính mình nên tôi mới còn nghi ngờ thôi.

Chạy ở đây gồm cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Với nghĩa đen, đơn giản là dù ở nhà rộng rãi hay ký túc xá chỉ nhỏ bằng một căn phòng thì tôi vẫn cứ chạy. Ở nhà tôi rất thường chạy từ nhà dưới lên nhà trên và ngược lại, có khi là có việc thật, có khi là do tôi thích vậy thôi. Đó có thể là lấy sách vở, laptop, bút viết để bắt đầu cắm cọc vào bàn học; khi thì lấy mỹ phẩm dưỡng da, kem đánh răng để đi vào nhà tắm bắt đầu chu trình skincare lúc đêm muộn; lúc lại là chạy lấy bánh ngọt từ nhà dưới lên để vừa xem phim vừa ăn…

Nếu bạn đang nghĩ nhà tôi chắc rộng lắm thì xin nói rằng nó chỉ là một ngôi nhà cấp bốn không thể bình thường hơn, những nơi mà tôi chạy đi chạy lại ấy thường chỉ cách nhau vài bước chân, ấy vậy nhưng tôi không muốn lãng phí thời gian cho việc đi bộ thong thả, tôi muốn dành dụm cho dù là vài giây ngắn ngủi đó vào những việc bổ ích hơn. Hơn nữa tôi thích cái cảm giác vận động cơ thể rõ ràng như thế, vì vậy dù có đi thì bước chân của tôi vẫn rất nhanh, giống như vận động viên race walking vậy. Điều này đã được kiểm chứng bởi những lời than trách đến từ bạn bè của tôi, họ nói rằng thỉnh thoảng phải chạy nhẹ để đuổi kịp bước chân tôi dù là cả hai đang đi cùng nhau từ cổng trường đến lớp, bạn bè tôi thường trêu rằng đi bộ với tôi là được tập thể dục nhẹ buổi sáng đấy.

Người luôn “chạy” là có số khổ?

Và vì cái tính “kì cục” ấy (theo lời mẹ tôi) mà mẹ bảo tôi làm gì cũng muốn nhanh, hấp tấp quá, nhưng thực chất tôi chỉ như thế với những việc vặt không cần thiết, và có hai chuyện tôi sẽ luôn từ từ, chậm rãi, không bao giờ nhanh khi không cần thiết, đó là ăn uống và đưa ra quyết định. Chắc bạn cũng đã hình dung được tại sao rồi; thứ nhất, ăn uống rất quan trọng với cơ thể và là nguồn cung cấp năng lượng trực tiếp để con người thực hiện các hoạt động sống; thứ hai, đưa ra quyết định, đây là một trong những thời điểm vô cùng quan trọng làm thay đổi tương lai của tôi cũng như người khác. Chính vì những lý do đó mà tôi sẽ không ngại dành thêm thời gian cho hai việc trên, tất nhiên là lượng cũng phải hợp lý, không thể lãng phí được.

Quay trở lại câu chuyện chính, bạn có nghĩ một người luôn nhanh nhẹn, đôi lúc có phần vội vàng, hấp tấp là người có số khổ không? Tôi không chắc mẹ tôi lấy định nghĩa này từ đâu, nhưng phần trăm cao là do ông bà ta để lại, có lẽ qua nhân tướng học và kinh nghiệm nhìn người chăng? Nếu là thời xưa, quan niệm ấy có thể đúng tám chín phần, bởi người Việt xưa theo Nho Giáo, xã hội có những quy tắc, lễ nghi rất khắt khe, dường như với mỗi loại người đều có một “bộ quy tắc làm người” riêng mà nếu ai đi chệch khỏi sẽ bị người đời cho là “bất hảo” và luôn chỉ trỏ dèm pha. Ví dụ với tầng lớp quý tộc, những tiểu thư, công tử (dù học văn hay võ) nhà quyền quý cần có phong thái khoan thai, nhẹ nhàng, điềm tĩnh. Chính vì quan niệm ấy mà người ta đã hình thành lối suy nghĩ người có số giàu thì phong thái bẩm sinh phải là như thế, và cách nghĩ đó đã được truyền đến tận hôm nay.

Trong một xã hội đang có xu hướng toàn cầu hóa và phát triển như thế này, tôi chắc rằng đa số các bạn cũng như tôi, không cho đây là cách nghĩ đúng. Ngày hôm nay, một người nhanh nhẹn, tháo vát và chăm chỉ sẽ là những người thành công. Thành công với tôi không phải là thật giàu có, làm ông này bà nọ, mà đó là khi đạt được mục tiêu của bản thân. Mỗi người khác nhau sẽ có những mục tiêu khác nhau, do vậy chỉ có bạn biết bạn đã thành công hay chưa, và cũng chỉ có tôi biết tôi đã thành công hay chưa. Với tôi, có lẽ đến lúc chết đi tôi mới biết được điều đó, bởi lẽ ngày hôm nay tôi đều cố gắng tốt hơn tôi của ngày hôm qua và mãi mãi tôi sẽ chạy theo kim chỉ nam ấy.

Người luôn “chạy” là có số khổ?

Cũng như hình ảnh tôi chạy đi chạy lại trong nhà, tôi trong cuộc sống cũng vậy, chỉ cần đủ sức để chạy, tôi sẽ không đi. Tôi “chạy” theo những người bạn tôi cho là giỏi hơn để học hỏi, kéo bản thân đến gần với những người tôi muốn kết bạn/những điều tôi muốn học được; “chạy” để hoàn thành “To do list” một ngày, từ đó hoàn thành đúng kế hoạch của một tháng, hai tháng… “chạy” deadline đúng hạn để giữ được sự uy tín với mọi người và trách nhiệm với công việc;…

Tương tự như việc chạy bộ, mỗi khi đã thấm mệt, mồ hôi túa ra như tắm, cơ bắp chân căng cứng không thể nhấc lên nữa, tôi sẽ dừng lại nghỉ ngơi một chút. Bạn có biết cái cảm giác được thư giãn sau khi hì hục cố gắng hoàn thành hết chặng đường sảng khoái như thế nào không? Tôi luôn tận hưởng từng giây từng phút nghỉ ngơi sau khi đã làm việc chăm chỉ, thậm chí là kiệt sức đến mức cảm nhẹ, nhưng đó là khi tôi hoàn toàn thỏa mãn và tự hào về bản thân, hơn ai hết, tôi biết mình xứng đáng có được sự thoải mái ấy.

Lý do lớn nhất để tôi luôn chạy, đó là bởi tôi biết sẽ đến một ngày tôi không thể chạy được nữa, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tôi tin là bạn hiểu tôi muốn nói gì. Khi còn trẻ, tôi muốn tranh thủ từng khắc để đạt được ước mơ thuở thiếu thời, để làm nền móng vững chắc cho cuộc sống đủ đầy hạnh phúc và không có nuối tiếc của tôi về sau. Khi đọc những dòng chữ này, ắt hẳn bạn không biết người đã viết nên chúng chỉ mới học cách “chạy” cách đây một năm mà thôi, và khi ấy tôi 20 tuổi, điều đó cũng có nghĩa là tôi đã lãng phí 5 năm niên thiếu rồi đấy. Đáng lẽ tôi định nói 20 năm cuộc đời, nhưng ngẫm lại khi còn bé tôi có biết ước mơ, hoài bão là gì đâu để mà chọn đi hay chạy chứ.

Thật lòng, đã từng có lúc tôi than trách bản thân bắt đầu quá muộn, hối tiếc một quá khứ đã quá lông bông, nhưng thực chất thì đâu có định nghĩa rõ ràng cho từ “sớm” hay “muộn”, vả lại giả dụ bạn có muộn hơn người khác vài năm cũng chưa chắc bạn sẽ thành công muộn hơn họ chừng ấy năm. Thời điểm bắt đầu tuy quan trọng thật, nhưng năng lực và sự chăm chỉ của bạn còn quan trọng hơn thế rất nhiều. Do vậy, dù điểm xuất phát có thua thiệt hơn người khác thật, tôi vẫn lựa chọn cách chạy của riêng tôi để bắt đầu một hành trình, bởi tôi tin vào chính mình.

Hiện tại, tôi đã có một lộ trình khá sáng sủa sau bao nhiêu lần chật vật đến bật khóc. Tôi cảm giác bản thân mình như một chú rắn, sau mỗi lần lột xác, tự mình cởi bỏ lớp ngoài xấu xí, không còn phù hợp với sự phát triển của bản thân nữa là một lần tôi chín chắn và mạnh mẽ hơn.

Cuối cùng, nói nhiều như thế, tôi chỉ muốn nhắn gửi đến bạn rằng: “Đừng đi, nếu bạn còn sức để chạy”. Tuổi để bạn có thể “chạy” không dài như bạn tưởng đâu, do vậy hãy mạnh dạn chạy đi và bắt đầu một cái gì đó thôi nào, không bao giờ là muộn cho một khởi đầu mới cả.

Tác giả: Trà Huỳnh Uyển Nhi

%d bloggers like this: