Khi nào là lúc thích hợp để quyết định gắn bó với ai đó?

Thời khắc mà bạn ổn định cuộc sống thường được cho là khi bạn đã có chút tiền dành dụm và một công việc tử tế. Sau đó, khi mọi thứ trở nên lãng mạn thì điều quan trọng còn lại duy nhất chỉ là bạn yêu người đó đủ sâu đậm để đến sống với họ. Nhưng nay, cả hai tiêu chí trên đều đã trở nên lỗi thời.

Khi nào là lúc thích hợp để quyết định gắn bó với ai đó?

Thời khắc đi vào ổn định là khi cuối cùng bạn nhận ra rằng người yêu mình thật sự bất toàn (deeply imperfect). Họ có cả trăm thứ nhược điểm, họ có thể nổi khùng bằng bất cứ cách nào và còn vướng vào những cơn rối loạn tâm lý khiến bạn đôi khi không thể chịu đựng nổi. Dẫu sao, từ đây ta cũng nhận ra một điều quan trọng là trên thực tế, ai cũng như thế cả. Một khi lột bỏ vẻ bề ngoài quyến rũ …. thì trong sâu thẳm, không ai hơn ai.

Về cơ bản, chúng ta là những giống loài đầy khiếm khuyết. Không có chuyện tồn tại một con người toàn mỹ, ai ai cũng sai lạc và có thể nổi loạn theo rất nhiều cách thú vị khác nhau. Chúng ta nghĩ tình yêu là sự thấu hiểu của bạn đời về những phần bí mật và dễ tổn thương trong ta, mà đa số người khác không nắm bắt được. Nhưng dù người kia có vẻ hiểu ta đến đâu tâm trí ta vẫn ẩn chứa những điều phức tạp mà người khác không tài nào hiểu nổi. Không một người nào có thể thấu hiểu và hoàn toàn thông cảm với bất cứ một ai khác.

Trong 1 khoảng thời gian dài, ta có thể dễ dàng làm như mình rất bình thường, thậm chí còn khá dễ tính. Nhưng rồi đến lúc phải ổn định, khi bạn đủ trưởng thành để tự đánh giá mình đáng tin đến mức nào. Bạn không thể làm việc đúng lịch trình, bạn mất tầm nhìn, lúc nào bạn cũng thấy âu lo. Bạn chỉ đủ chín chắn khi bạn có thể thấy xấu hổ về bản thân mình và sẵn sàng tạ lỗi về sự thật này một cách thường xuyên. Thật rắc rối khi ta chỉ nói về tình yêu trên 1 khía cạnh, trong khi thực ra nó có 2 mặt. Đó là yêu và được yêu.

Khi nào là lúc thích hợp để quyết định gắn bó với ai đó?

Chúng ta chỉ nên ổn định khi, chúng ta không còn chỉ mãi ham muốn được yêu mà còn tập trung cho những việc xa lạ hơn nhiều, đó là việc thực sự yêu lấy người đó. Cái cảm giác tự cho rằng “tình yêu nghĩa là tôi được yêu” xuất phát từ thời ấu thơ. Với đứa trẻ, nó cảm thấy như thể cha mẹ ở rất gần, họ sẵn sàng đơn giản nắm tay ta để vỗ về, cho ăn, tắm rửa, chơi đùa và họ gần như luôn tươi cười và ấm áp. Cha mẹ không thể hiện cho con cái thấy biết bao lần họ đã phải cắn răng chịu đựng, nuốt nước mắt vào trong, bao cơn mệt mỏi đến mức quên thay quần áo sau một ngày trông trẻ.

Mối quan hệ này gần như hoàn toàn không qua lại. Cha mẹ và con cái có thể yêu thương lẫn nhau nhưng mỗi bên lại nằm ở 2 thái cực khá xa, mà điều này, đứa trẻ không hề hay biết. Vì vậy, khi lớn lên, khi ta nói mình cần tình yêu, thì ý nghĩa tiên quyết ở đây là ta muốn được yêu như cách cha mẹ trước đây đã từng yêu ta. Khi lớn lên, ta muốn làm sống lại loại tình cảm mà trước đây ta có thừa. Ta muốn có ai đó sẽ hiểu nhu cầu của ta, mang tới những gì ta muốn một cách kiên nhẫn, thông cảm và thấu hiểu, hành động không chút vụ lợi và làm mọi thứ ổn hơn.

Suy nghĩ này, tất nhiên là một thảm họa.

Để xây dựng một mối quan hệ, ta phải dứt khoát rời bỏ ‘chế độ’ trẻ thơ và chuyển sang vị trí của người cha người mẹ. Người lãng mạn, theo bản năng, nhìn nhận mối quan hệ theo khía cạnh cảm xúc. Nhưng yếu tố giúp một cặp đôi có thể thực sự trụ vững trong suốt cuộc đời rất gần với việc vận hành một doanh nghiệp nhỏ. Hai người phải dọn dẹp, lái xe, nấu nướng, sửa chữa, phân loại và vứt bỏ, lên chi phí. Chẳng hoạt động nào nêu trên có vẻ hấp dẫn cả, nhất là khi đặt bối cảnh của xã hội hiện nay. Những ai cảm thấy “bị buộc” phải làm những việc này có khả năng cao là sẽ thấy mối quan hệ và cuộc đời mình đang đi vào bế tắc.

Khi nào là lúc thích hợp để quyết định gắn bó với ai đó?

Ổn sao được khi ta phải hàng ngày vùi mặt vào mớ bòng bong này? Tuy vậy, những công việc này lại thực sự lãng mạn theo nghĩa là những xúc tác có ích trong việc duy trì tình yêu và chúng là nền tảng cho bất cứ mối quan hệ tốt đẹp nào. Các cặp đôi mới cưới chính ra nên thay đổi lời tuyên thệ thành “Tôi chấp nhận nhân phẩm của cái bàn ủi…”. Có kiểu suy nghĩ rằng khi được yêu, bạn đời sẽ không bao giờ cố gắng thay đổi bạn. Nhưng thật ra, họ nên và phải muốn thay đổi bạn chứ, bởi bạn thật sự bất toàn và cần được “nhào nặn” thẳng tay nếu cần.

Nếu bạn không sẵn sàng cho việc đó, bạn sẽ có thái độ khá thù địch và chống đối việc này. Nhưng khi bạn muốn ổn định, bạn cần sẵn sàng chống chọi với những mũi dùi chĩa vào mình. Bạn nên nhìn nhận, ở một vài thời điểm quan trọng thì bạn đời là người thầy còn bạn là học trò, và ngược lại, vì thế không bên nào phải cảm thấy thấp kém hơn đối phương.Việc tạo lập mối quan hệ là để giáo dục lẫn nhau giúp nhau trở thành 2 con người tốt đẹp hơn, chứ không phải là quá trình chấp nhận tất cả những gì cố hữu của nhau, bất luận xấu tốt thế nào.

Theo: The School of Life

%d bloggers like this: