Tại sao chúng ta cảm thấy cô đơn?

Khi nghĩ về điều đang dần biến mất trong thế giới hiện đại, có lẽ chúng ta sẽ nghĩ về những bữa ăn gia đình: bây giờ bao nhiêu gia đình còn ăn chung cùng nhau, nếu còn thì tần suất được bao nhiêu lần, trong khi ăn có trò chuyện cùng nhau hay vừa ăn vừa xem điện thoại? Trong những bức tranh về bữa ăn gia đình của ngày xưa, chúng ta thường đánh giá cao cách mọi người trong gia đình đủ mọi lứa tuổi quây quần bên bàn ăn cùng nhau, niềm vui khi thức ăn được chuẩn bị tại nhà và bầu không khí đầy cảm giác chào đón. Ngay cả động vật của gia đình như ngựa cũng có thể được mời tham gia.

Tại sao chúng ta cảm thấy cô đơn?
Frederick George Cotman, One of the Family, 1880

Nếu so sánh thì những bữa ăn thời hiện đại có phần ảm đạm hơn nhiều. Thay vì hình ảnh gia đình quây quần bên lò sưởi hay bàn ăn, cảnh tượng một người ngồi với cái khay trước ti vi đã trở thành biểu tượng. Tập đoàn Swanson, ban đầu là công ty sản xuất gia cầm ở Omaha (Nebraska), đã cho ra mắt “bữa tối đông lạnh TV” vào năm 1954 (cùng năm đó TV màu cũng được ra mắt tại Hoa Kỳ). Bữa tối bao gồm 2 lát ức gà tây, khoai lang, đậu Hà Lan bơ và sốt bánh mì ngô. Công ty đã có kế hoạch bán 5.000 suất trong năm đầu tiên; nhưng hóa ra, họ đã bán được đến 10 triệu suất.

Swanson đã tiến hành cải tiến sản phẩm bữa ăn “một mình” của họ trong những năm sau đó. Họ tạo ra ngăn thứ tư cho khay thức ăn, thường chứa đầy các lát táo hoặc đào được tưới xi-rô. Ngoài ra, còn có xúc xích gà tây và miếng thịt bọc trứng và bánh mì rán thịt gà, ‘thịt bò nạc với nước sốt tự nhiên’, khay thức ăn kiểu Đức và bản sao của Lễ tạ ơn. Xét về thời gian, sự thay đổi này có thể là một chặng đường ngắn, nhưng về mặt tinh thần thì lại là một chặng đường dài. Từ Lễ tạ ơn gia đình tràn ngập tiếng cười của Norman Rockwell đến bữa ăn gà tây được sản xuất công nghiệp riêng biệt dành cho một người của Swanson (chỉ cần hâm nóng và thưởng thức).

Tại sao chúng ta cảm thấy cô đơn?
Swanson Corporation, Turkey Dinner, 1962

Thế giới hiện đại chắc chắn là một nơi cô độc hơn thời đại trước nó. Câu hỏi ở đây là tại sao vậy? Bữa tối đông lạnh là mục tiêu dễ dàng – nhưng những khay đồ ăn được thiết kế chỉn chu này nhiều khả năng đại diện cho sự bất an của chúng ta về nỗi cô đơn hơn là nguyên nhân gây xa lánh của chúng. Sau cùng thì, công nghệ (thành phố, ô tô hay màn hình) không phải là thứ khiến chúng ta trở nên cô đơn; mà là tập hợp chính các ý nghĩ của chúng ta.

Khi một người ở một mình, điều đó không có nghĩa là người đó có vấn đề, hoặc cho thấy tính cách của họ không tốt nên không ai chơi. Tuy nhiên, xã hội lại có nhiều cách khác nhau để biến điều này thành một “phương trình” chắc chắn.

Đa số các thời đại trước thời đại của chúng ta đều hiểu rằng sự cô độc – thực chất – không phải là dấu hiệu của sự bất hạnh hay thiếu thốn. Có nhiều cách để trở thành người cô độc đầy vinh dự và ấn tượng khi bạn kết nối được với những gì cao quý và chân thành. Sự cô độc có thể đồng hành cùng cảm giác kết nối mạnh mẽ với một vị thần, một nhân vật trong sách, một bản nhạc hoặc với phần tĩnh lặng hơn trong tâm trí của một người. Những lúc như vậy, người ta có thể ở một mình nhưng không cảm thấy bị cô lập hay bị đe dọa – khác với việc ai đó đang sống trong một gia đình có nhiều người, nhưng lại cảm thấy khổ sở và lạc lõng vì không được lắng nghe và thấu hiểu.

Vào thời kỳ đầu của lịch sử Cơ đốc giáo, người ta tin rằng tính hòa đồng thực sự không nhất thiết là bạn phải trò chuyện được với những người ở xung quanh mình (họ hàng cùng huyết thống hoặc bạn bè cùng lớp của chúng ta). Nó có nghĩa là bạn được kết nối với những nguồn năng lượng có ý nghĩa nhất trong vũ trụ. Và điều này đòi hỏi bạn phải sống một mình ở một nơi rất xa, tại một túp lều trong rừng hoặc ở một ngọn tháp trên vách đá, học cách giao tiếp với Chúa cũng như tình yêutrí tuệ của Ngài.

Trong hang động, dù chỉ bầu bạn cùng một cuốn kinh thánh và dành hàng giờ để nối kết bản thân với những ý tưởng trong kinh thánh, nhưng người ta có thể sẽ cảm thấy ít cô độc hơn khi sống trong một gia đình nhộn nhịp nhưng trống vắng về mặt tâm linh.

Vào thế kỷ thứ tư, vị thánh vĩ đại nhất của Cơ đốc giáo thuở sơ khai, Thánh Anthony – được cho là đã sống hơn 40 năm ở sa mạc phía Tây của Ai Cập – ông không nói chuyện với ai, chỉ ăn bánh mì và muối, giao tiếp với Chúa bằng cái, về cơ bản, được biết đến với tên gọi là “hesychasm” – một lời cầu nguyện có tính chiêm nghiệm huyền bí mà khi cầu nguyện, các tín đồ sẽ cố gắng “làm lắng” mọi thứ về bản thân mình, thậm chí cả hơi thở, trong nhiều giờ để cố gắng đến gần hơn những bí ẩn vô hạn của Đức Chúa. Một số người vì ngưỡng mộ cuộc đời của St Anthony nên họ đã đến sa mạc sống cùng ông, dựng lều trong các hang động gần đó, để râu và tóc dài cũng như viết ra những suy nghĩ và tầm nhìn của họ.

Những người này được gọi chung là các “Giáo phụ Sa mạc” (Desert Fathers), triết lý về chủ nghĩa khổ hạnh và lòng mộ đạo đơn độc của họ tiếp tục có ảnh hưởng quan trọng đến việc thành lập các tu viện, học viện mà sau đó đã giúp nghi thức hóa và hệ thống hóa “đời sống tín hữu đơn độc” trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Thời kỳ Trung cổ là lúc “chủ nghĩa tu viện” đạt đến đỉnh cao, người ta ước tính rằng một triệu người trên khắp châu Âu và Bắc Phi đã từ bỏ sự nhộn nhịp của đời sống gia đình và cuộc sống thương mại để đến sống ở một số nơi xa xôi có địa hình hiểm trở nhất trên thế giới, và ngày ngày thầm lặng chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thần linh.

Cô đơn không chỉ đơn giản phát sinh khi một người vô tình bị cô lập về mặt thể chất; nó là cảm giác được tạo ra khi nền văn hóa của chúng ta khuyến khích cảm giác xấu hổ khi rơi vào tình trạng như vậy. Trước tiên, chúng ta tự khiến mình cô đơn bởi một số câu chuyện nhất định mà chúng ta tự kể cho bản thân về ý nghĩa của sự cô đơn.

Tuy nhiên, ngay sau khi cuộc Cải cách kháng nghị diễn ra và kèm theo đó là sự phá hủy các tu viện, lòng mộ đạo đơn độc cũng bắt đầu mất uy tín và dần biến mất như một sự tất yếu. Những người trước đây sống một mình trên núi được khuyến khích phụng sự Đức Chúa bằng cách quay lại cộng đồng, tìm bạn đời phù hợp và bắt đầu lập gia đình. Thời điểm đó, những người sống một mình như vậy được cho là ích kỷ hoặc có đầu óc không bình thường.

Tại sao chúng ta cảm thấy cô đơn?

Sự thúc đẩy tôn giáo xã hội mới này cùng với tầm ảnh hưởng của Chủ nghĩa lãng mạn – phong trào của những ý tưởng – với các mục đích khác nhau – đã khuyến khích mọi người từ bỏ hoàn toàn cam kết sống một mình, đồng thời nghi ngờ về “sự cô độc danh giá”. Đối với những người theo chủ nghĩa lãng mạn, hạnh phúc là phải tìm được một người bạn đặc biệt mà người ta có thể từ bỏ sự cô độc của mình, một người có thể hòa hợp cả về thể xác lẫn tâm hồn với chúng ta. Người ta cho rằng khi tìm được tình yêu đích thực thì con người sẽ không bao giờ cảm thấy buồn phiền hay mất phương hướng.

Chủ nghĩa lãng mạn đã vẽ nên một bức chân dung vô cùng cảm động về sự kết đôi – và nhờ vào nghệ thuật và những hình mẫu về cuộc sống của chính họ – họ đã thuyết phục được cả thế giới hiện đại tin vào điều đó. Nhưng trong quá trình này, phong trào Lãng mạn đã gây ra tác động “thảm khốc” đến khả năng đánh giá của chúng ta về ý nghĩa của sự cô độc. Chủ nghĩa lãng mạn đã biến sự cô độc từ một lựa chọn đáng kính trọng và sâu sắc trở thành bằng chứng của một loại bệnh lý.

Dường như qua lăng kính của Chủ nghĩa lãng mạn, không thể có lý do nào khác khiến một người có thể chọn ở một mình ngoài việc họ có vấn đề về mặt cảm xúc hay quan niệm tình dục lệch lạc. Nhà triết học theo chủ nghĩa lãng mạn (và đã kết hôn 4 lần) Betrand Russell giải thích rằng, “những ai chưa từng biết đến sự gần gũi sâu sắc và sự gắn kết mãnh liệt của tình yêu đôi lứa đã bỏ lỡ điều tuyệt vời nhất mà cuộc sống ban tặng”. Nghe có vẻ đáng khích lệ, nhưng ẩn sau nó là mối đe dọa đặc trưng của thời đại này.

Nhờ xây dựng thành công hình tượng hạnh phúc lứa đôi, Chủ nghĩa lãng mạn khiến những người đang sống một mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nghi ngờ sự tỉnh táo của họ – và có thể là họ đã bị cô lập hơn rất nhiều so với các “Desert Father” sau nửa thế kỷ sống tĩnh lặng một mình trong sa mạc Nitrian.

Với vẻ ngây thơ của mình, Chủ nghĩa lãng mạn truyền tải những câu chuyện về các cặp đôi yêu nhau và niềm vui của họ. Giống như Cơ đốc giáo, Chủ nghĩa lãng mạn cũng có các vị thánh và các thánh thần, các bài thơ sử thi và sách thiêng. Có những cặp tình nhân như Abigail Adams và chồng của cô ấy tên John, là vị Tổng thống thứ hai của Hoa Kỳ. Mối quan hệ của 2 người vô cùng ấm áp đáng yêu, và kiểu tình yêu này được những người theo chủ nghĩa lãng mạn xem như là hình mẫu lý tưởng cho hôn nhân mà bất kỳ ai cũng nên có.

Tình cảm vợ chồng của họ vô cùng gắn kết trong suốt 54 năm. Khi xa nhau, họ viết thư 5 lần một ngày gửi cho nhau (thư từ thu thập được lên tới 1.160 bức) và hiểu mọi thứ về nhau từ chính trị, tôn giáo cho đến sở thích ăn súp, găng tay và các bài hát yêu thích. Người ta tin rằng những người yêu nhau tử tế không chỉ thành đôi trong kiếp này, mà họ có thể tiếp tục bên nhau như vậy trong kiếp sau – quan điểm này tiếp tục được củng cố trong thế kỷ 19 thông qua tập tục chôn cất các cặp vợ chồng trong các hầm đôi. Độc thân không còn là sự lựa chọn đúng đắn cho người sống nữa, hoặc bạn có thể thấy nó xuất hiện dưới hình thái khác – người chết.

Tại sao chúng ta cảm thấy cô đơn?
In a couple forever: Abigail and John Adams, Buried alongside each other, Quincy, Massachusetts.

Chủ nghĩa lãng mạn không chỉ khiến những người độc thân trở nên “kỳ quái”; nó còn làm tăng áp lực lên những cặp vợ chồng, những người không thể đòi hỏi sự hài lòng ở người bạn đời của họ; khiến những người chỉ đang lặng lẽ loay hoay với cuộc sống và lịch sự “chịu đựng” một vài thói quen và vòng lặp hằng ngày chẳng có mấy gì hay ho, cảm thấy cô đơn và đáng nguyền rủa hơn bao giờ hết.

Từ trước đến nay, không ai hy vọng các cặp đôi hài lòng về nhau. Nhẫn nhịn và thỏa hiệp được ca ngợi là những thành tựu thực sự. Thật vậy, bạn sẽ được khen ngợi nếu cố gắng không thù ghét bạn đời của mình sau một vài thập kỷ chung sống. Nhưng dưới “làn gió mới” từ Chủ nghĩa lãng mạn, bất cứ thứ gì – ngoại trừ việc truyền tải “trạng thái mê ly” bất diệt của tình yêu – dường như đều vi phạm các quy tắc cơ bản của sự tồn tại. Một người không có nghĩa vụ phải dung thứ cho một người khác.

Việc ổn định cuộc sống với ai đó vì người ta (sau khi cân nhắc mọi thứ) thực sự không quá tệ, vì điều đó có lợi, vì họ có khuôn mặt tử tế (ít nhất là từ một góc nhìn) và đôi khi có cử chỉ thân thiện, tất cả đã trở thành một kiểu “dị giáo”, nghiêm trọng như bất cứ điều gì mà có lẽ đã bị lên án bởi những người theo Cơ đốc giáo tại Hội đồng đại kết đầu tiên ở Nicaea vào năm 325.

William Orchadson – nghệ sĩ theo chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ 19 (công khai kết hôn rất hạnh phúc) – đã trở thành hình tượng tiêu biểu trong việc lên án “dấu hiệu thỏa hiệp” trong tác phẩm châm biếm của ông, “The Marriage of Convenience(Tạm dịch: Hôn nhân tiện lợi) vào năm 1883. Việc nhận thấy bạn đời của mình khá là nhàm chán và khó nói chuyện cùng nhau vào bữa tối (ngay cả khi người ta có quản gia tốt, phòng ăn thoải mái và thích cùng nhau nuôi dạy con cái) không phải là điều gì đó dễ hiểu và có thể chấp nhận được trong một mối quan hệ được gọi là đủ tốt, ngược lại, đó là một bi kịch đáng thương.

Tại sao chúng ta cảm thấy cô đơn?
William Orchardson, The Marriage of Convenience, 1883

Chủ nghĩa lãng mạn đã “nhốt” loài người vào một loại ràng buộc kép: thông qua việc coi tình trạng cô độc là điều bất khả về mặt tâm lý, khuyến khích chúng ta sợ độc thân và chấp nhận kết hôn mà lẽ ra sẽ khôn ngoan hơn nếu từ chối. Đồng thời, khiến chúng ta tin rằng sự say mê và cảm giác hạnh phúc “ở thì tiếp diễn” mới là tiêu chuẩn trong mọi mối quan hệ tốt đẹp, điều này khiến phần lớn các cặp đôi cảm thấy như thể họ đang có mối quan hệ hết sức sai trái.

Căng thẳng bùng phát ở Anh sau Thế chiến thứ nhất. Theo sau thiệt hại về nhân mạng trong cuộc xung đột, một cuộc điều tra dân số đã cho thấy số lượng nữ giới lúc đó nhiều hơn nam giới 1,75 triệu người. Các tờ báo khi đó đã lên tiếng cảnh báo về vấn đề “Hai triệu phụ nữ thặng dư”. Chả có nghĩa lý gì khi việc không kết hôn lại mang đến nhiều cơ hội lẫn bất hạnh như vậy; không ai thừa nhận rằng có thể cô đơn tồn tại trong cả hai giới, và đôi khi các trạng thái “ế” khác nhau có thể lại thích hợp hơn.

“Những bà cô không chồng” bị người đời nhìn bằng ánh mắt chế giễu xen lẫn tội nghiệp. Một Ủy ban Di trú nước ngoài được thành lập chỉ với mục đích là khuyến khích những phụ nữ Anh độc thân dọn đến các vùng xa xôi của đất nước, để không bị cảm thấy xấu hổ khi sống cô độc ở quê nhà. Còn với thế hệ sau đó, những cụm từ như “gái già” hay “bà cô không chồng” là kiểu nhân vật kinh điển được dùng để chế giễu và thể hiện sự thương hại cho ai đó. Dường như, một phụ nữ có cuộc sống bình thường mà không lấy chồng là một chuyện không thể tưởng tượng được.

Khi The Beatles ra mắt bài hát Eleanor Rigby vào năm 1966, bài hát thể hiện ý nghĩa của sự cô đơn trong thời hiện đại, và ngay lập tức cho thấy vì sao Eleanor là một nhân vật đáng thương. Khuôn mặt nổi tiếng mà cô ấy “trưng ra bên cạnh cửa” với mong muốn – cũng giống như những người độc thân khác – tìm được người bạn đời trong mơ của mình.

Có lẽ vì vậy mà triết lý của các bài hát, cũng như trong tất cả các tác phẩm của The Beatles, và trên thực tế là trong dòng nhạc pop hiện đại đều truyền đạt một ý tưởng – chỉ có tình yêu đôi lứa mới có thể giúp bạn sống một cuộc đời tử tế. Chủ nghĩa lãng mạn cảnh báo rằng, nếu không hoàn toàn chìm đắm vào tình yêu, người ta sẽ sớm phải đi nhặt cơm trong nhà thờ nơi có đám cưới diễn ra.

Xã hội hiện đại không chỉ buộc bạn phải kết đôi với ai đó, mà nó dường như gợi ý rằng bạn nên có một nhóm bạn sôi động – và tận hưởng việc gặp họ thường xuyên trong các buổi tiệc tùng. Cơ hội xây dựng các mối quan hệ xã giao quy mô lớn ngày càng tăng đi kèm với sự phát triển của nhiều nhà hàng, vũ trường và quán bar. Những ngày cuối tuần dần dần được dành để đi chơi – và một dạng căng thẳng khác bắt đầu gia tăng khi tối thứ Bảy đến mà người ta không có nơi nào để đi hay người nào đó để gặp mặt trong một thành phố đầy hào nhoáng. Một cuốn nhật ký trống rỗng đã trở thành một biểu tượng của sự lập dị.

Tại sao chúng ta cảm thấy cô đơn?
Phoebus Levin, The Dancing Platform at Cremorne Gardens, 1864

Báo chí thì tràn ngập những bài viết về cuộc sống của người khác. Người ta có thể tìm ra ai đã tham dự Tiệc mừng sinh nhật lần thứ 40 của Elizabeth Taylor và những gì được phục vụ tại buổi khiêu vũ Proust của Marie-Helene de Rothschild, bộ váy nào đẹp nhất ở Met Gala và cách Valentino thực hiện kế hoạch sắp xếp chỗ ngồi tại Tiệc tình yêu White Fairy Tale của mình.

Nhưng quan trọng hơn, chúng ta được dạy một cách tinh tế rằng, để được tôn trọng thì phải thích ra ngoài giao thiệp; rằng không có gì hay ho khi ngồi một mình đọc sách và việc viết nhật ký hay ôn lại những kỷ niệm thời thơ ấu cũng không có giá trị gì mấy.

Đồng thời, không ai chấp nhận dù chỉ một chút rằng, đây rõ ràng là lối sống tò mò mong muốn đáp ứng tiêu chuẩn của cộng đồng để được đứng trong một căn phòng đầy những kẻ “hoảng loạn về địa vị và căng thẳng về mặt xã hội”, từng người trong số họ đều khiếp sợ sự trung thực hay thất bại – nơi câu trả lời khả thi duy nhất cho câu hỏi bóng bẩy: “Bạn dạo này thế nào?” là “Hoàn toàn tuyệt vời – còn bạn thì sao?”.

Năm 1921, Carl Jung – trong cuốn sách Psychological Types (Tạm dịch: Các kiểu tâm lý học) của mình – đã đưa ra các thuật ngữ ‘hướng ngoại’ và ‘hướng nội’ nhằm phân biệt tính cách của con người. “Hướng ngoại” chỉ những người có thể nhận ra và thể hiện khả năng tốt nhất của họ khi ở cùng những người khác; còn “Hướng nội” chỉ những người khộng thích đám đông và những cuộc nói chuyện phiếm, vì họ cần không gian yên tĩnh để phục hồi năng lượng của mình.

“Ai cũng sở hữu hai cơ chế này,” Jung viết – nhưng tinh thần thời đại hay thế giới hiện đại luôn có phần thiên về những người hướng ngoại, còn đa số những người hướng nội cảm thấy như thể điều họ cảm thấy thoải mái nhất – được ở một mình – lại thường bị xem như một “căn bệnh”.

Tất nhiên, đây hoàn toàn không phải là bệnh. Nhưng để cảm thấy bớt cô đơn hơn, chúng ta không nên bị “thúc ép” đi ra ngoài để xã giao hoặc bị khuyến khích đi tìm người yêu hoàn hảo khi bản thân không muốn hoặc chưa sẵn sàng; chúng ta cần xã hội thay đổi câu chuyện về ý nghĩa của sự cô độc. Chẳng có gì là bất bình thường khi một người không muốn đứng trong một căn phòng ồn ào tán gẫu cùng mọi người, hoặc muốn một mình ăn một bữa ăn đơn giản, hay muốn đi dạo công viên một mình. Chúng là bằng chứng cơ bản thể hiện một nội tâm phức tạp nhưng đáng giá.

Tại sao chúng ta cảm thấy cô đơn?
Caspar David Friedrich, Landscape with Mountain Lake, Morning, 1823

Đó đã và đang là thành tựu của một số ít cá nhân lên tiếng ủng hộ những người hướng nội bằng sự tự tin và kỹ năng thích hợp, cố gắng che đậy sự cô độc trong vẻ hào nhoáng. Trong một bức họa của Caspar David Friedrich, tác giả muốn chúng ta hiểu rằng nhân vật cô độc giữa phong cảnh trong bức tranh không phải là kẻ “sống ngoài vòng pháp luật” hay là kẻ ngang ngược; anh ta tự biết rằng những hiểu biết của mình có thể bị đám đông “nuốt chửng” và anh ta cần phải tìm đến những ngọn núi để đánh giá đúng bản chất của sự khoe khoang ồn ã và tị hiềm của con người. “Kẻ lang thang” một mình sẽ tự tìm thấy phần người nguyên bản quan trọng nhất của chính anh ta.

Trong nghệ thuật của Corot (Jean-Baptiste-Camille Corot là một nghệ sĩ thị giác và họa sĩ uyên bác người Pháp), cô đơn không phải là một sự thay thế tồi tệ cho việc bầu bạn, nó không phải là điều mà người ta có thể tìm đến khi và chỉ khi một người bị từ chối trong một buổi dạ tiệc, hoặc hôn phu của ai đó bị chết trận. Cô đơn là “thiên đường” mà ở đó mọi lời chào hỏi ồn ào, mọi nhận xét hời hợt và mọi cuộc chạm trán thiếu tế nhị đều có thể dẫn đến những tổn thương mà chúng ta nên tự hào cưỡng lại.

Tại sao chúng ta cảm thấy cô đơn?
Jean-Baptiste Corot, Solitude, 1866

8 thập kỷ sau, nhân vật nổi tiếng trong bức ảnh chụp một quán ăn của nhiếp ảnh gia người Anh Hannah Starkey dường như trở thành “biểu tượng hùng hồn” cho sự cô độc. Bối cảnh của bức ảnh có thể ảm đạm, nhưng nó luôn muốn chúng ta cảm nhận được sự nhiệt thành có phần “khô khan” và tâm trạng đa sầu đa cảm của mình – có lẽ vì nó cho phép chúng ta nhớ và nắm giữ tốt hơn những trải nghiệm của chính mình về sự cô độc, khi một mình không phải là một hình phạt mà là cơ hội để “tiêu hóa” nỗi đau, để định vị lại chính chúng ta và tạm rời xa thế giới đầy phiền nhiễu.

Tại sao chúng ta cảm thấy cô đơn?
Hannah Starkey, Untitled, October 1998

Sự cô độc thông thường giúp giảm bớt cảm giác ngột ngạt khi ai đó cảm thấy cô đơn khi ở một mình. Cô độc không phải là một lời nguyền đặc biệt, mà đó là nơi mà chúng ta ai rồi cũng sẽ thuộc về. Chúng ta nên dám chấp nhận rằng trên thế giới này vẫn tồn tại một kiểu giao tiếp xã hội “khác người” mà khó có thể dung hòa được với các dạng giao tiếp khác. Những người thích ở một mình, không phải họ không thích được bầu bạn; chỉ là họ thà ở nhà một mình còn hơn là hòa mình vào thế giới “thật giả bất phân” ngoài kia.

Không có gì là “thảm họa” khi chúng ta hay ăn tối một mình. Một mình dùng một bữa ăn giản dị trong bình yên sẽ tốt hơn nhiều so với việc ở trong phòng khiêu vũ, với những nụ cười “thảo mai” và những phán xét ngầm đầy ngột ngạt vây quanh, và khi đó, chúng ta cũng không còn được là chính mình nữa. Đã đến lúc xã hội cần hiểu rằng, mặc dù nhìn bề ngoài chúng ta đang cô đơn, nhưng thật ra, đó mới chính là sự bầu bạn tốt nhất của mỗi người.

Lược dịch từ https://www.theschooloflife.com/thebookoflife/loneliness-in-the-modern-world/

%d bloggers like this: