Triết lý đằng sau việc “tắm nước lạnh”

Tắm nước lạnh đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của tôi. Mặc dù đã làm điều này rất nhiều, mỗi lần tắm nước lạnh vẫn là một trải nghiệm không mấy dễ chịu đối với tôi cho đến tận hôm nay, nhưng rõ ràng là tôi đã phải bỏ ra ít nỗ lực hơn lần đầu tiên. Bên cạnh rất nhiều lợi ích về thể chất mà việc tắm nước lạnh mang lại, hãy cùng bàn về triết lý ẩn sau nó nhé!

Triết lý đằng sau việc "tắm nước lạnh"

Một số người coi việc tắm nước lạnh là “thần dược” có thể giải quyết mọi vấn đề sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần; tôi lại không đồng ý như vậy. Tôi đã tắm nước lạnh suốt từ năm 2014, thế mà việc này chẳng hề biến tôi thành siêu nhân. Tôi vẫn bị ốm, bị trầm uất và lo âu trong suốt khoảng thời gian đó, cho nên, nước lạnh không phải yếu tố duy nhất để có được sức khỏe tốt. Tuy nhiên, việc tắm nước lạnh thực sự có ích.

Tôi luôn cảm thấy cơ thể dễ chịu và tinh thần sảng khoái hơn sau mỗi lần tắm nước lạnh, và tôi cũng dần chống chọi với cái lạnh tốt hơn vào mùa đông. Nhưng những lợi ích lớn nhất mà tôi có được là về mặt tinh thần, điều này có thể có liên quan đến những triết lý mà bây giờ tôi sẽ chia sẻ với các bạn.

Hãy bắt đầu với động lực của niềm khát khao và sự ghét bỏ. Con người, cũng như loài vật, phân biệt rõ ràng giữa những thứ mình thích và không thích. Đây là kỹ năng quý giá cho sự sinh tồn: tránh né những điều đe dọa đến cuộc sống có thể là việc làm cứu lấy cuộc sống của mình theo đúng nghĩa đen. Đó là lý do tại sao lũ ngựa vằn luôn trốn tránh bầy sư tử, và đó cũng là lý do tại sao tôi chẳng bao giờ nhảy vào đứng giữa đống lửa.

Tuy nhiên, con người lại quá thường xuyên tránh né những sự khó chịu giản đơn và hơn nữa chẳng hề đe dọa đến tính mạng, nhưng thực ra lại rất cần thiết cho sự phát triển bản thân. Nếu cứ luôn tránh né những thứ mình không thích, chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể đạt được một số mục tiêu nhất định. Nếu muốn có một cơ thể cường tráng, chúng ta cần chăm chỉ đến phòng gym. Nếu muốn được lắng nghe, chúng ta phải lên tiếng. Nhưng điều gì đang níu giữ chúng ta lại? Đó chính là nỗi sợ sự khó chịu.

Bên dưới là một câu châm ngôn của Seneca – một triết gia người La Mã thuộc trường phái triết học khắc kỷ và là chính khách:

Không phải vì mọi thứ khó khăn nên chúng ta không dám làm, mà bởi vì chúng ta không dám làm nên mọi thứ mới trở nên khó khăn.

Seneca, Moral Letters to Lucilius, 26

Nói cách khác: Nếu muốn mọi điều trở nên dễ dàng hơn, chúng ta cần dũng cảm hơn. Đây chính là triết lý ẩn sau việc “tắm nước lạnh”.

Tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người, đặc biệt ở phương Tây, khá ghét việc tắm nước lạnh, bởi phần lớn họ đã quen với nước ấm nóng ở nhà. Tắm nước ấm mang đến trải nghiệm dễ chịu và êm ái hơn là cảm giác làm họ tỉnh táo và khỏe khoắn. Vì vậy, những người quen tắm nước ấm thường sẽ muốn né tránh sự khó chịu của việc tắm nước lạnh.

Nhiều năm trước khi cân nhắc về việc một lần thử tắm nước lạnh, tôi đã dành vài tháng sống gần thành phố Bandung, Indonesia.

Đây thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời, ngoại trừ việc vài lần tôi không có nước ấm để dùng. Ngay cả một số khách sạn cũng chẳng có nước ấm. Điều này có lẽ là do đa số người Indonesia tắm nước lạnh mỗi ngày. Hơn nữa, phần đông người dân Indonesia theo đạo Hồi. Các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện năm lần và tắm rửa ít nhất năm lần bằng nước lạnh mỗi ngày.

Triết lý đằng sau việc "tắm nước lạnh"

Khi sinh hoạt cùng người dân địa phương, thay vì tự thích ứng với thói quen tắm rửa bằng một xô nước lạnh mỗi sáng của mọi người nơi đây, tôi lại đổ nước vào một cái chảo, đun lên, hòa với nước lạnh trong một cái xô, và tận hưởng làn nước ấm áp. Ồ vâng, tôi thật hèn nhát. Điều này được phản ánh trong toàn bộ quan điểm sống của tôi: Tôi luôn tránh né những thứ mình ghét; ngay cả khi chúng chỉ là một sự khó chịu nhỏ xíu chẳng thấm vào đâu.

Dưới đây là một câu châm ngôn của nhà hiền triết Epictetus:

Hãy nhớ rằng đi theo tiếng gọi của niềm khao khát hứa hẹn việc bạn sẽ đạt được điều mà bạn đang khao khát; còn theo sau sự thù ghét báo trước việc bạn sẽ tránh né thứ mà bạn đang thù ghét. Thế nhưng, người không đạt được điều mà anh ta khao khát sẽ chỉ cảm thấy thất vọng, trong khi kẻ mắc kẹt với thứ mà anh ta thù ghét sẽ thấy mình bất hạnh vô vùng.

Epictetus, Giáo Khoa Thư, 2

Theo cái kết của câu châm ngôn, trong hoàn cảnh này, quan điểm ẩn sau việc tắm nước lạnh chính là chúng ta thận trọng trong việc phơi bày con người mình trước những điều chúng ta ghét bỏ. Chúng ta có thể khát khao dòng nước ấm nóng chảy trên da đấy, nhưng hãy làm điều ngược lại. Bằng cách này, chúng ta tôi luyện bản thân trở nên kiên cường hơn khi làm những thứ mình không thích. Việc này tạo nên một lối tư duy thừa nhận không thích nhưng vẫn làm. Càng thực hành nhiều, chúng ta càng ít bị tổn thương khi phải chịu đựng những điều mình ghét.

Vị hoàng đế La Mã cổ đại và hiền triết Marcus Aurelius đã khuyên chúng ta thực hành Praemeditatio Malorum (tạm dịch: tưởng tượng tiêu cực) vào buổi sáng, để chuẩn bị cho bản thân bạn kịch bản xấu nhất có thể gặp phải trong cả ngày hôm đó. 

Mỗi sáng khi thức giấc, bạn hãy nói với bản thân: Những người mình gặp hôm nay sẽ nhiều chuyện, vô ơn, kiêu ngạo, dối trá, ghen tỵ và mất lịch sự. Họ như vậy là bởi họ không biết phân biệt tốt xấu.

Marcus Aurelius, Suy tưởng, 2-1

Bây giờ, nếu hành động tưởng tượng ra nghịch cảnh là một phương pháp đầy ý thức để bản thân thân đón nhận nỗi đau thì việc tắm nước lạnh có thể được coi là một kiểu tưởng tượng tiêu cực bằng xương bằng thịt, điều này giúp chúng ta chuẩn bị đối mặt với những khó khăn sắp xảy ra trong ngày mới. Nhờ “tắm nước lạnh” mà chúng ta đã đối phó thành công với một con quỷ, nên khi đối mặt với những con quái vật khác, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Nhưng sự triết lý đằng sau việc “tắm nước lạnh” thậm chí còn sâu xa hơn thế.

Triết lý đằng sau việc "tắm nước lạnh"

Khi còn trẻ, chúng tôi thường ở Tây Ban Nha cả mùa hè. Cùng với anh trai và một người bạn, chúng tôi sẽ dành cả ngày ở bể bơi, bơi lội và thư giãn. Giờ đây nghĩ lại, về cơ bản hồi đó chúng tôi thật yếu đuối, nhất là tôi, vì sợ phải chạm vào dòng nước lạnh ở biển trước khi tính đến chuyện có bơi được hay không.

Vì thế, trước khi nhảy xuống, chúng tôi đã chơi một trò chơi tâm lý kỳ quặc, đó là chạy đến bể để nhảy, nhưng chưa nhảy ngay, mà thách xem ai sẽ là người đầu tiên nhảy xuống nước. Việc này mất đến mười phút hoặc lâu hơn thế, cho đến khi một trong số mấy anh em chịu nhảy và những người còn lại sẽ theo sau.

Sau khi nhảy xuống bể, tôi luôn ngạc nhiên bởi cảm giác thực tế dễ chịu hơn những gì mà tôi đã tưởng tượng nhiều. Việc tắm nước lạnh cũng tương tự; những giây đầu tiên bao giờ cũng là những giây khủng khiếp nhất, nhưng sau khoảng một phút, bạn sẽ thực sự thích nghi với cái lạnh và nó sẽ không còn quá tệ nữa. Giống như việc tắm trong bể nước lạnh vậy, khi đã vượt qua cảm giác sợ hãi lúc đầu, bạn sẽ cảm thấy khá thích thú.

Làm hoặc không làm. Không có thử.

Thầy Yoda, phim Đế chế phản công

Bằng cách tắm nước lạnh, chúng ta tôi luyện bản thân rằng “hãy làm đi” khi đối mặt với một trải nghiệm “có vẻ đáng sợ hay đau đớn”, cho dù chúng ta có cảm thấy lo lắng đến mức nào. Những cảm giác như vậy đang nói cho ta biết sắp có những điềm xấu hay tình huống khó khăn xảy ra trong công việc. “Nước lạnh” dạy chúng ta điều đó, cho dù ban đầu thứ gì đó có đáng sợ đến đâu; một khi đã vượt qua, chúng ta sẽ thích nghi và thứ đáng sợ kia sẽ trở nên dễ chịu hơn.

Một vài thử thách có thể cực kỳ đáng ngại lúc đầu, nhưng sau một hồi, chúng sẽ trở nên dễ chịu hơn và chúng ta sẽ ít có cảm giác đang phải chịu đựng chúng hơn. Như việc tôi sợ nói trước đám đông, nhưng sau đó tôi học được rằng, cũng giống như việc tắm nước lạnh, những giây phút ngần ngại ban đầu sau vài phút sẽ biến mất.

Có khả năng vượt qua những lo lắng đồng nghĩa với việc nỗi sợ sẽ chẳng thể ngăn cản bạn, cho dù nó có tệ thế nào. Từ đây, chúng ta sẽ mở ra những cánh cửa mà trước đó chưa từng dám mở. Và bằng việc mở những cánh cửa này, chúng ta sẽ tìm ra những con đường dẫn đến những khả năng mới, bởi chúng ta vừa giải phóng bản thân khỏi xiềng xích mang tên nỗi sợ.

Lo âu là cơn chóng mặt của tự do.

Soren Kierkegaard, Khái niệm Lo âu, 152-61

Thêm một điều nữa mà tôi đã học được từ những trải nghiệm ở Tây Ban Nha là tâm trí chúng ta luôn vẽ nên những điều tồi tệ hơn chúng ở thực tế, điều này về cơ bản gây ra trạng thái lo âu.

Sau nhiều năm né tránh, việc tắm nước lạnh đã kéo tâm trí tôi trở lại những ngày ở Tây Ban Nha trước kia, khi mà tôi cứ ngần ngại, chần chừ trước quyết định nhảy xuống dòng nước lạnh. Tôi đã cảm nhận được đúng sự do dự, trì hoãn lúc ấy, cũng như việc tôi đã kéo bản thân ra khỏi điều đó, và còn nhiều thứ khác nữa.

Triết lý đằng sau việc "tắm nước lạnh"

Tâm trí của chúng ta cực kỳ sáng suốt trong việc tránh né nỗi đau, vì nó có thể dựng nên những câu chuyện với độ tinh vi ngang một bài luận văn, đơn giản chỉ để tránh khỏi sự khó chịu của việc “tắm nước lạnh”.

Có một điều rất thú vị mà tôi đã để ý trong nhiều năm, đó là tôi rất hay suy nghĩ và lo lắng trước khi tắm nước lạnh. Tôi có thể biết lúc nào mình sắp sửa do dự. Và tôi biết nếu cứ tiếp tục do dự, nó sẽ khiến tôi mất nhiều thời gian hơn để có thể thực sự hành động. Tôi đã học được rằng bất cứ khi nào sự do dự này xuất hiện; tôi càng hành động nhanh bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu.

Lão Tử – một vị hiền triết theo Đạo giáo – cũng đã nhắc đến điều này trong cuốn Đạo Đức Kinh:

Hãy săn sóc những vấn đề khó nhằn khi chúng vẫn còn đang dễ dàng. Hãy làm mọi điều trước khi chúng trở nên quá khó khăn.

Lão Tử, Đạo Đức Kinh, 63

Bạn cũng có thể áp dụng nguyên tắc này để tiếp cận ai đó mình cảm thấy hấp dẫn. Cách hiệu quả nhất để bắt đầu một cuộc trò chuyện là tiếp cận người đó càng nhanh càng tốt. Bởi nếu không làm vậy, bạn sẽ bắt đầu do dự, lo âu trỗi dậy và việc tiếp cận đối phương khi đó sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Suy nghĩ theo cách này sẽ giúp chúng ta xác định được liệu chúng ta có đang né tránh điều gì đó hay không, và liệu suy nghĩ của chúng ta có đang níu giữ chúng ta lại hay không. Điều này sẽ giúp phá vỡ cái vòng luẩn quẩn đó một cách dễ dàng hơn và “làm tới luôn” trước khi nhiệm vụ kia trở nên khó khăn. Trải nghiệm “tắm nước lạnh” giúp chúng ta hiểu rằng, có những điều chúng ta phải tin tưởng bản thân sẽ xử lý được, ngay cả khi lý trí nói điều ngược lại.

Lòng can đảm cũng là một phẩm chất của Chủ nghĩa Khắc kỷ. Tắm nước lạnh là một cách để xây dựng lòng can đảm, bằng cách chinh phục chính bản thân chúng ta khi để mình đối mặt với sự khó chịu, thay vì chọn đi con đường quá dễ dàng.

“Tắm nước lạnh” là những chiến thắng nhỏ mỗi ngày, được coi như một hình ảnh ẩn dụ cho cách chúng ta đương đầu với những thứ ta ghét bỏ trong cuộc sống thường nhật, và dù muốn hay không, đó luôn là một phần trong sự tồn tại của chúng ta với tư cách con người.

Nguồn: https://einzelganger.co/the-philosophy-of-cold-showers/

%d bloggers like this: